ĐẠI BIỂU LÝ VĂN HUẤN: 3 GIẢI PHÁP CẦN TRIỂN KHAI ĐỂ KHẮC PHỤC HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC KIỂM SÁT

24/10/2021

Bày tỏ quan điểm tại phiên thảo luận trực tuyến sáng 24/10 về Các báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Lý Văn Huấn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đề xuất ba giải pháp cần được triển khai trong toàn ngành kiểm sát để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm sát.

ĐBQH Lý Văn Huấn tham gia ý kiến về báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao  và Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến

Bày tỏ quan điểm tại phiên thảo luận trực tuyến sáng ngày 24/10 về Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Lý Văn Huấn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đánh giá: Báo cáo công tác của Viện trưởng VKS nhân dân tối cao đã thể hiện rõ nét về tình hình vi phạm, tội phạm, các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính mà ngành kiểm sát cũng như các ngành Tư pháp phải thực hiện trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực có diễn biễn phức tạp, bên cạnh đó sự tác động của đại dịch COVID 19. Đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình về đánh giá những khó khăn, thách thức, những hạn chế và các giải pháp mà ngành kiểm sát đã đề ra để thực hiện trong năm 2022. Trong đó, đáng chú ý vẫn còn một số tồn tại đó là một số bị can phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính, tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm án dân sự, hành chính chưa đạt so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Đại biểu Lý Văn Huấn cũng đề ra ba giải pháp cần được triển khai trong toàn ngành kiểm sát để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm sát.

Thứ nhất,, Phối hợp với các đơn vị, ngành có liên quan đặc biệt là Tòa án nhân dân trong việc giải thích pháp luật, hướng dẫn những quy định của pháp luật còn có nhận thức chưa thống nhất về việc xử lý hành vi phạm tội thuộc nhóm tội phạm công nghệ cao, đánh bạc phi truyền thống, các hành vi làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức ...

Thứ hai, Thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; có biện pháp đẩy mạnh hiệu quả hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm để hạn chế thấp nhất việc gia hạn điều tra, tạm đình chỉ vụ án liên quan đến hợp tác quốc tế trong quá trình điều tra xử lý các vụ án hình sự.

Thứ ba, Tiếp tục có các giải pháp để nâng cao chất lượng việc thực hiện các chỉ tiêu theo nghị quyết 96 của Quốc hội, đảm bảo bố trí cán bộ có đủ năng lực để tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại của ngành, đồng thời thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra đối với những đơn vị trong ngành chưa thực hiện tốt chỉ đạo của Viện trưởng, qua đó chỉ ra được những bất cập, thiếu sót để có biện pháp khắc phục.

Đối với dự thảo Nghị quyết về phiên toà trực tuyến, đại biểu nhất trí cho rằng đây là nhu  cầu và là xu hướng tất yếu, đồng thời cũng phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về “Chuyển đổi số”, “Quốc gia số” và xu hướng hội nhập quốc tế về tư pháp. Để thực hiện tốt việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu đề nghị ngành Tòa án cần chuẩn bị tốt các nội dung:

Một là, đề nghị TAND tối cao chủ trì, phối hợp với VKSND tối cao, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan sớm ban hành Thông tư liên tịch sau khi Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến được thông qua, trong đó cần rà soát và xem xét đến điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để vận hành phiên tòa trực tuyến. Vì hiện tại cơ sở vật chất và trang thiết bị để phục vụ cho phiên tòa trực tuyến ở cấp cơ sở, đặc biệt là cấp huyện chưa đáp ứng.

Hai là, kịp thời có hướng dẫn chi tiết việc xét xử trực tuyến đối với những loại án nào? Về trình tự, thủ tục tố tụng và cách thức tổ chức phiên tòa đảm bảo theo quy định của pháp luật

Ba là, các quy định khác về đảm bảo quyền con người, quyền  của bị can, bị cáo, luật sư theo quy định của pháp luật, người bị hại trong vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn dân sự...trong vụ án dân sự và sự tham gia của họ./.

Thu Hoài - Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thái Nguyên