ĐẠI BIỂU ĐOÀN THỊ HẢO: CẦN ĐẶT CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GẮN VỚI XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN QUY HOẠCH QUỐC GIA

30/10/2021

Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 29/10, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời kiến nghị cần đánh giá, làm rõ nguyên nhân không đạt 05/22 mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

 

Đại biểu Đoàn Thị Hảo phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 29/10

Tham gia ý kiến vào dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2025) tại phiên thảo luận tổ chiều 29/10, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đã bám sát yêu cầu, quan điểm về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan được xác định tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng và của Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội; các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đại biểu cũng đề nghị cần đánh giá, làm rõ nguyên nhân không đạt 05/22 mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025, đại biểu cơ bản nhất trí với mục tiêu, yêu cầu và sự cần thiết cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; tuy nhiên cần đặt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với việc xây dựng và thực hiện Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, lấy liên kết vùng, phát triển đô thị, kinh tế đô thị làm trọng điểm, lấy xác định các ngành, sản phẩm, lĩnh vực có hiệu quả cao, đóng góp lớn và sức lan tỏa rộng trong nền kinh tế, nhất là các ngành dựa trên công nghệ và tri thức tiên tiến làm khâu đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; tăng trưởng dựa vào tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025, đại biểu quan tâm hơn đến các giải pháp về cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó đề nghị bổ sung một số nhiệm vụ giải pháp căn cơ hơn nữa để khai thác tiềm năng, thế mạng của nước ta về phát triển ngành nông nghiệp, trong bố cảnh dịch bệnh thì nền nông nghiệp vẫn là trụ đỡ, cứu cánh cho nền kinh tế: Giải pháp về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia; Giải pháp về phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, mạng sản xuất, nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác/.

Thu Hoài