ĐBQH TRẦN THỊ THANH LAM: CẦN GIẢI QUYẾT BẤT CẬP VỀ THÔNG TUYẾN KHÁM, CHỮA BỆNH BHYT

26/05/2022

Chiều 26/5/2022, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi). Tại Tổ thảo luận số 10, bà Trần Thị Thanh Lam, ĐBQH tỉnh Bến Tre, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị bổ sung thêm chính sách để phát triển y tế tư nhân, đảm bảo công bằng, bình đẳng với y tế Nhà nước và nên có quy định giải quyết các bất cập về thông tuyến khám, chữa bệnh bằng BHYT.

 

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), bà Trần Thị Thanh Lam, ĐBQH tỉnh Bến Tre, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị bổ sung một số nội dung sau:      

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, khoản 2, Điều 1 dự thảo Luật quy định “Luật này không quy định về các hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe gồm sàng lọc, phát hiện sớm bệnh, tật và các can thiệp để hạn chế tỷ lệ mắc bệnh, tật; phòng ngừa các rối loạn tâm thần; phòng, chống bệnh không lây nhiễm; dinh dưỡng cộng đồng”. Đại biểu cho rằng các hoạt động dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật…cũng là một phần trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đưa các hoạt động này vào phạm vi điều chỉnh của Luật.

Thứ hai, tại Điều 3 về nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật có quy định “Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh; bình đẳng, công bằng giữa những người hành nghề, giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tư nhân”. Tuy nhiên, tại Điều 4 về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh chưa thể hiện chính sách để phát triển y tế tư nhân, vai trò của y tế tư nhân còn mờ nhạt. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách để phát triển y tế tư nhân, đảm bảo công bằng, bình đẳng với y tế Nhà nước theo đúng nguyên tắc đã đề ra tại Điều 3. Ngoài ra, tại Điều 4, đại biểu cũng đề nghị bổ sung xã an toàn khu vào cùng nhóm với các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cần ưu tiên đầu tư phát triển y tế cơ sở.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam phát biểu tại phiên thảo luận Tổ chiều ngày 26/5/2022

Thứ ba, tại Điều 71 về giám định y khoa, dự thảo quy định “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan giám định y khoa phải trình Hội đồng giám định y khoa cùng cấp giải quyết”; “ Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan giám định y khoa trình, Hội đồng giám định y khoa có trách nhiệm khám giám định, lập và gửi Biên bản giám định y khoa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu khám giám định y khoa”. Đại biểu đề nghị làm rõ “ngày” ở đây là ngày làm việc hay ngày nói chung. Ngoài ra, đại biểu đặt vấn đề Hội đồng giám định y khoa cần đến 45 ngày để làm việc là có lâu quá không, nhất là trong các trường hợp người giám định cần biết kết quả sớm (như người cao tuổi khuyết tật, người khuyết tật cần làm hồ sơ hưởng trợ cấp, người bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông…), đề nghị cân nhắc về thời gian làm việc của Hội đồng sao cho hợp lý, đảm bảo Hội đồng có đủ thời gian giám định nhưng cũng đảm bảo quyền lợi của người yêu cầu.

Thứ tư, tại Điều 87 về đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề, dự thảo Luật quy định “Nhà nước có chính sách cấp: Học bổng khuyến khích học tập cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần và hồi sức cấp cứu có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên; Học bổng chính sách cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần và hồi sức cấp cứu là người đang làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng mở, các ngành nghề được Nhà nước ưu tiên đào tạo sẽ thực hiện theo Danh mục do Chính phủ ban hành cho từng giai đoạn, như vậy sẽ linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế hơn là quy định cụ thể các ngành nghề trong Luật.

Ngoài ra, ĐBQH Trần Thị Thanh Lam cũng đề nghị trong sửa đổi Luật lần này nên có quy định giải quyết các bất cập về thông tuyến khám, chữa bệnh bằng BHYT, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận quyền lợi về chăm sóc sức khỏe./.

Hoàng Nhân