Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày tại phiên họp, về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 13 của dự thảo Luật), có hai loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị chỉ cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định yêu cầu kịch bản phim bằng tiếng Việt (đầy đủ) trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long
Góp ý vào nội dung còn ý kiến khác nhau này, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long thống nhất với phương án 2 quy định yêu cầu kịch bản phim bằng tiếng Việt, bởi việc thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là điều rất cần thiết. Điều này sẽ tạo điều kiện cho giới chuyên môn được tiếp cận nhiều hơn với môi trường làm việc phim chuyên nghiệp để học tập kinh nghiệm, nhất là những sự tiến bộ và những thay đổi không ngừng của điện ảnh. Qua đó, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, chuyển tải được những giá trị nhân văn cao đẹp, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, kịch bản tóm tắt chưa thể hiện hết nội dung phim.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh, việc thẩm định kịch bản phim với nội dung đầy đủ mới đảm bảo các yêu cầu về chính trị, quốc phòng và an ninh. Đây cũng là kinh nghiệm của một số quốc gia trong thẩm định kịch bản phim.
Ngoài ra, để thu hút các tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam thì các chính sách về ưu đãi, thủ tục minh bạch, thuận lợi và nhanh chóng cũng là những yếu tố rất cần được quan tâm để Việt Nam cũng như điện ảnh Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn làm phim quốc tế nhưng vẫn đảm bảo được những vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị như đã quy định tại Điều 41 của dự thảo luật.
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị cân nhắc quy định yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp kịch bản phim hoặc chỉ cung cấp kịch bản phim khi sử dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam hoặc sử dụng diễn viên Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục rút ngắn thời gian cấp giấy phép cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Cần làm rõ quy trình hợp tác sản xuất phim, trách nhiệm của các cơ sở điện ảnh trong nước, cung cấp dịch vụ phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cam kết kịch bản không có các nội dung, hình ảnh trái với quy định của pháp luật Việt Nam.
Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị lựa chọn phương án 2. Tuy nhiên cần bổ sung là sử dụng kịch bản phim đầy đủ bằng tiếng Việt để giảm thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim, sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài nhằm thực hiện cải cách các thủ tục hành chính.
Cũng chọn phương án 2, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng nêu rõ, kịch bản phim là một bộ phận cấu thành rất quan trọng của tác phẩm văn học điện ảnh hay là truyền hình, kịch bản được phác thảo trên văn bản như là một đề cương đến từng chi tiết, là cơ sở hoàn thiện tác phẩm. Đây là cơ sở rất quan trọng để các cơ quan chức năng có điều kiện thẩm định kịch bản phim của tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Không cùng quan điểm với các đại biểu nêu trên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhận thấy, phương án 2 quy định kịch bản phim bằng tiếng Việt chưa đủ chặt chẽ, còn chung chung, thiếu chi tiết cụ thể, mà phim là tác nhân điện ảnh, nghĩa là tác phẩm nghệ thuật và là tài sản trí tuệ do tổ chức, cá nhân nước ngoài quay, sử dụng bối cảnh tại Việt Nam. Trong trường hợp này không phải là nhà làm phim của Việt Nam. Đại biểu nêu rõ, phim được sản xuất không chỉ để phổ biến một lần, tức là không phải chỉ để công chiếu một lần mà được trình chiếu nhiều lần, nhiều nơi không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà trên toàn thế giới và lại được quy định phim có sử dụng bối cảnh tại Việt Nam nên còn mang tính thời điểm, tính lịch sử, tính địa danh, quay phim và lưu qua nhiều năm, nhiều thế hệ. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần lựa chọn phương án 1 là hợp lý hơn.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhận thấy, phương án 1 theo dự thảo quy định kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt là chi tiết cụ thể, đầy đủ, chặt chẽ hơn và phù hợp với các quy định khác có liên quan, là cơ sở để cơ quan nhà nước quản lý tốt hơn việc cấp phép đối với dịch vụ phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam, nhằm hạn chế thấp nhất những vấn đề sơ suất khi mà áp dụng luật trong thực tiễn.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc quản lý, cấp phép, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất phim, nhất là những vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, chủ quyền quốc gia, bản sắc văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, việc thẩm định kịch bản đầy đủ chỉ được thực hiện ở một số ít đất nước trên thế giới. Thực tế, hầu hết các phim này chỉ được thực hiện một vài cảnh quay ở Việt Nam. Kịch bản sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định thì vẫn có thể thay đổi theo ý của đạo diễn. Việc thẩm định kịch bản, phân loại phim đầy đủ cũng không có cơ sở để khẳng định, kiểm soát hoạt động toàn bộ phim. Chính vì vậy, đại biểu Trần Đình Gia lựa chọn phương án 1, kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt./.