QUY ĐỊNH THANH TRA CẤP HUYỆN: CẦN THIẾT NHƯNG PHẢI ĐẢM BẢO TÍNH HIỆU QUẢ CAO

26/05/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 26/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Tổ 1 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

 

Toàn cảnh phiên thảo luận

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi Luật Thanh tra hiện hành nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến công tác thanh tra; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều (trong đó bổ sung thêm 61 điều, sửa đổi 41 điều và lược bỏ 24 điều so với Luật Thanh tra năm 2010), quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra; về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực; về thanh tra viên; về hoạt động thanh tra; về thực hiện Kết luận thanh tra; về phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán nhà nước; về thanh tra nhân dân.

Thảo luận tại Tổ, đa số các đại biểu nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra với những lý do như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật Thanh tra cũng là thực hiện nhiệm vụ lập pháp đã được đề ra tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Các vị đại biểu Quốc hội cũng nhất trí với 05 nhóm quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến công tác thanh tra; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là những nội dung mới về kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Nhấn mạnh đây là dự án Luật quan trọng, có tác động đến nhiều chiều của đời sống xã hội, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt cho rằng nên tổ chức thanh tra cấp huyện như hiện nay. Theo đại biểu, cơ bản các vụ việc nảy sai phạm nảy sinh trong thực tiễn xuất phát từ thôn, xã, thị trấn và có 4 cấp chính quyền gồm chính quyền trung ương, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Nếu bỏ thanh tra cấp huyện và dồn công việc này lên thanh tra cấp tỉnh sẽ rất khó đáp ứng với các yêu cầu trong thực tiễn. Bên cạnh đó, nếu chuyển chức năng của thanh tra cấp huyện lên thanh tra cấp tỉnh thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp huyện sẽ phải gánh vác những công việc này. Trên thực tiễn, cấp tỉnh không thể làm thay đến tận cấp xã, cấp huyện do đó đại biểu đề nghị cần cân nhắc để sửa đổi, khi Luật được ban hành có thể bảo đảm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Đồng quan điểm, đại biểu Tạ Đình Thi nêu rõ, việc tổ chức thanh tra, đặc biệt là thanh tra cấp huyện cần tăng cường tổ chức bộ máy biên chế, các phương tiện, điều kiện nhằm bảo đảm thực hiện tốt chức năng thanh tra. Đồng thời nên có quy định cụ thể những tiêu chí, yêu cầu đặt ra để đảm bảo các điều kiện hoạt động.

Mặt khác, đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước không tỉnh nào giống nhau và các đơn vị cấp huyện, thị trấn cũng vậy. Do đó, đại biểu cho rằng, việc quy định đồng loạt đều có thanh tra cấp huyện là chưa hợp lý, đồng thời đề nghị bổ sung quy định “căn cứ tình hình thực tế của địa phương do tỉnh quyết định”. Lý giải nguyên nhân đưa ra quan điểm của mình, đại biểu Trương Xuân Cừ cho biết, hiện nay biên chế không nhiều, nếu thêm biên chế đôi khi sẽ không có hoạt động. Nếu thêm phòng thanh tra ở một huyện mà cả năm không hoạt động, trong khi các phòng chuyên môn khác “đầu tắt mặt tối” sẽ dễ nảy sinh vấn đề phức tạp và sinh ra mất đoàn kết.

Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ cho biết, khi Chính phủ trình, đề nghị xây dựng Luật Thanh tra sửa đổi vào năm 2019 đã đề xuất không tổ chức thanh tra huyện. Tuy nhiên, đến giai đoạn xây dựng thành dự thảo Luật, lấy ý kiến các cơ quan thì thanh tra huyện vẫn được giữ lại. Theo số liệu năm 2020, trung bình mỗi cơ quan thanh tra cấp huyện chỉ có 5-6 biên chế. Nhấn mạnh với một bộ máy còn ít biên chế như vậy, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng không thể đặt kỳ vọng thanh tra cấp huyện có thể thực hiện đầy đủ các chức năng từ thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do đó cần phải đặc biệt quan tâm tới việc tổ chức lại thanh tra huyện.

Cũng theo đại biểu, đối với những địa phương, các đơn vị hành chính cấp huyện có nhu cầu thanh tra lớn, địa bàn cũng như tính chất cần phải tổ chức thanh tra thì có thể vẫn duy trì thanh tra cấp huyện. Đối với những địa bàn trung bình tiến hành 2-3 cuộc thanh tra trong một năm, số lượng biên chế ít thì việc duy trì một tổ chức, bộ máy như vậy sẽ không có hiệu quả cao.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Kết luận nội dung này, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu rõ, trong quá trình đánh giá báo cáo của Chính phủ về triển khai tổ chức thực hiện Luật Thanh tra trên thực tế cho thấy còn nhiều bất cập, vướng mắc. Tuy vậy, nhiều đại biểu đồng tình đề nghị giữ nguyên cơ quan Thanh tra huyện và cũng có đại biểu đề nghị tổ chức sắp xếp cơ quan Thanh tra huyện căn cứ vào tình hình thực tế để vừa đảm bảo phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vừa đảm bảo tính hiệu quả cao. Ngoài ra, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, trong thực tế có rất nhiều vấn đề nảy sinh từ xã, phường, thị trận, thậm chí là ở thôn và tổ dân phố. Do đó, việc có cơ quan thanh tra cấp huyện là rất cần thiết nhằm xử lý kịp thời, giải quyết nhanh chóng, triệt để các vấn đề từ cơ sở như nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, thanh tra,...và đảm bảo nguyên tắc “ở đâu có quản lý, ở đó có thanh tra”./.

Minh Thành