Thực hiện Kỳ họp thứ 3, Quốc hội vừa thảo luận ở Tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009 đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết như: về quản lý người hành nghề; về quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; một số nội dung liên quan đến chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh; các điều kiện bảo đảm cho công tác khám bệnh, chữa bệnh; kinh nghiệm từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19… Từ các lý do trên, cần thiết xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đồng thời, việc xây dựng dự án Luật sẽ thể chế Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV.
Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 gồm 12 chương và 106 điều, được xây dựng theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Bùi Sỹ Hoàn- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đồng thuận về quy định sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong khám chữa bệnh của người nước ngoài hoặc người Việt định cư ở nước ngoài tại Việt Nam. Quy định này cũng là để tránh rủi ro trong khâu phiên dịch các y lệnh, chỉ định.
Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, khoản 1 Điều 24 quy định “việc đánh giá mức độ thành thạo tiếng Việt thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục” là chưa cụ thể, khó thực hiện. Hiện nay, Thông tư số 17/2015/TT-BGDĐT ngày 01/9/2015 ban hành về Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài thì khung năng lực tiếng Việt được chia thành 3 cấp (Sơ cấp, Trung cấp, Cao cấp) và 6 bậc (từ Bậc 1 đến Bậc 6 và tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR). Như vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ hoặc giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về yêu cầu cụ thể mức độ thành thạo tiếng Việt đối với người hành nghề ở cấp nào, bậc nào?
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cũng đề nghị bỏ quy định về phí duy trì giấy phép hành nghề tại khoản 8 Điều 38 vì không rõ mục đích, cách thức quản lý, sử dụng của loại phí này. Mặt khác, hiện nay có rất nhiều loại giấy phép hành nghề nhưng cũng không có loại giấy phép nào phải nộp phí duy trì như thế này và loại phí này hiện cũng không có trong danh mục phí tại Luật Phí và lệ phí hiện hành.
Ngoài ra, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cũng đề nghị bổ sung quy định tại Điều 47, 48 về sử dụng kết quả đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm căn cứ để thực hiện việc đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thống nhất với điểm b khoản 2 Điều 50 là: “kết quả đánh giá chất lượng có thể được sử dụng làm căn cứ để thực hiện việc đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề của cơ sở khám chữa bệnh”.
Điều 67 của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng đề nghị bổ sung quy định trường hợp bắt buộc chữa bệnh theo quyết định của cơ Nhà nước có thẩm quyền để thống nhất với các văn bản pháp luật khác. Ví dụ, tại Điều 49 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về 03 trường hợp bắt buộc chữa bệnh theo quyết định của Viện Kiểm sát hoặc Tòa án.
Về Điều 49 đề cập Bắt buộc chữa bệnh, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn nêu quan điểm: Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án Nhân dân căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt. Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Về Khoản 2 Điều 80, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị làm rõ hơn tại dự thảo hoặc giao cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể về các trường hợp “bất khả kháng khác”, tránh trường hợp lạm dụng lý do này để loại trừ trách nhiệm sai sót chuyên môn kỹ thuật của người hành nghề./.