ĐBQH NGUYỄN VĂN CẢNH: LUẬT VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ CẦN ĐƯỢC ĐƯA VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2023

26/05/2022

Tại Kỳ họp họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nêu quan điểm: Cần thiết sửa đổi pháp luật về giao thông đường bộ và đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đưa Luật về giao thông đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023...

Thực hiện Kỳ họp họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội vừa thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Tham gia góp ý vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng, một trong những luật có đóng góp quan trọng về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới là các luật liên quan tới giao thông đường bộ. Theo đó, Luật Giao thông đường bộ là khuôn khổ pháp lý để tạo nên hạ tầng giao thông đường bộ, có hạ tầng giao thông đường bộ đi trước mở đường thì kinh tế - xã hội nơi có hạ tầng đi ngang qua sẽ phát triển nhanh chóng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của vùng và cả nước. Bên cạnh đó, giao thông đường bộ gắn liền với từng cá nhân, tổ chức mọi lúc, mọi nơi, từ sáng sớm ra đường tới tận tối khi trở về nhà. Xây dựng pháp luật về giao thông đường bộ tốt thì chúng ta sẽ đi lại thuận lợi, an toàn. Nếu có lỗi về hạ tầng, về tổ chức giao thông không hợp lý, không chấp hành quy định về giao thông có thể để lại hậu quả nặng nề cho bản thân và gia đình, đó là sinh mạng, là tài sản, có thể là tài sản cả đời tích góp.


Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông đường bộ, tổ chức giao thông đường bộ của mỗi quốc gia thể hiện rõ nhất khả năng tiếp thu văn minh của thế giới đối với quốc gia đó và ứng xử trong văn hóa giao thông cũng thể hiện văn hóa con người của quốc gia. Vì vậy, giao thông đường bộ là một yếu tố quan trọng để đạt mục tiêu xây dựng đất nước văn minh, hiện đại.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh, nhiều loại phương tiện mới xuất hiện. Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông đô thị, hệ thống quốc lộ và đường cao tốc đã phát triển mạnh. Công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, biển báo phát sinh nhiều bất cập. Vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân nên nhiều nội dung trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không còn phù hợp.

Luật về giao thông đường bộ do Chính phủ trình tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã được biên soạn công phu, nội dung phù hợp với thực tiễn. Nếu được Quốc hội khóa XV sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến thì chúng ta sẽ có pháp luật hoàn chỉnh để xây dựng hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông đường bộ hiện đại, đồng bộ sử dụng hiệu quả hơn. Người dân sẽ chấp hành tốt hơn đối với các quy định hợp lý và sau khi luật được hoàn thiện thì số người chết sẽ dưới 2.000 người/năm như quốc gia Thụy Điển đã đạt được khi họ tập trung vào điều chỉnh pháp luật về giao thông đường bộ.

Với những lý do trên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu quan điểm là cần thiết sửa đổi pháp luật về giao thông đường bộ và đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đưa Luật về giao thông đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022./.

Bích Lan