Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đa số các đại biểu nhận thấy, nội dung sửa đổi Luật Điện ảnh lần này qua nghiên cứu đã bám sát chủ trương của Đảng là văn hóa phải được đặt ngang tầm với kinh tế và chính trị, tiếp cận đầy đủ, song song cả 2 mặt của điện ảnh, một là điện ảnh là một ngành nghệ thuật, mặt còn lại, điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa. Quốc hội đã thảo luận rất nhiều tại Kỳ họp thứ 2 cùng thống nhất mục tiêu sửa đổi luật lần này là làm sao để ngành điện ảnh phải có bước phát triển đột phá, góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Luật Điện ảnh sau khi sửa đổi phải tạo khuôn khổ pháp lý, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ nhưng cũng phải khuyến khích thu hút xã hội và các nguồn vốn đầu tư khuyến khích sáng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật có giá trị về văn hóa, giá trị về nhân văn, giá trị về giáo dục.
Băn khoăn chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh
Góp ý đối với chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh và phát triển nguồn nhân lực điện ảnh tại Điều 5 và Điều 6 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nhận thấy, quy định này còn mang tính bao cấp rất cao. Đề nghị nên quy định theo hướng phải có sản phẩm cụ thể thì Nhà nước mới đầu tư ngân sách, không nên đầu tư dàn trải, do điện ảnh là hoạt động sáng tạo, mang dấu ấn cá nhân của người lao động nghệ thuật. Người tham gia phải có năng khiếu và đam mê. Việc Nhà nước bao cấp cũng không đem lại hiệu quả và không kích thích lao động sáng tạo. Do đó, “chỉ nên có chính sách khuyến khích, không nên có quá nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi. Chính sách cần hướng đến sản phẩm đầu ra, không nên bao cấp đầu vào, trong khi sản phẩm đầu ra chưa biết chất lượng như thế nào”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu rõ.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Quan tâm về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, tại khoản 3 Điều 5 quy định Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị cơ quan soạn thảo đối chiếu lại nội dung trên cho phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020 vì theo Phụ lục 2 về danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư kèm theo Nghị định 31 ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội có các mục được ưu đãi gồm đầu tư kinh doanh bảo tàng cấp quốc gia, nhà văn hóa dân tộc, đoàn ca múa nhạc dân tộc, rạp hát, trường quay, cơ sở sản xuất phim, in tráng phim, nhà triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, sản xuất, chế tạo, sửa chữa nhạc cụ dân tộc, duy tu, bảo tồn, bảo tàng nhà văn hóa dân tộc và các trường văn hóa nghệ thuật, cơ sở làng nghề, giới thiệu và phát triển các ngành nghề truyền thống, đầu tư kinh doanh các loại hình nghệ thuật, trình diễn dân gian, đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thư viện có vai trò quan trọng.
Do vậy, đại biểu Trần Thị Thu Hằng băn khoăn, chính sách ưu đãi về tín dụng thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh được nêu ra tại dự thảo Luật có đủ cơ sở để áp dụng khi luật có hiệu lực thi hành không.
Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tại khoản 3 Điều 5 quy định Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa quy định cụ thể đối tượng, phạm vi, nội dung để hưởng chính sách. Vì vậy, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị cần xem xét bổ sung quy định hoặc giao các cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể nội dung này.
Thống nhất với các nội dung dự thảo Luật đã trình tại kỳ họp này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm, xem xét nội dung liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh phù hợp với xu hướng phát triển chung. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung trang thiết bị hiện đại vào điểm h khoản 2 Điều 5 và chỉnh lý lại theo hướng xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ sản xuất, phát hành phổ biến lưu chiếu và lưu trữ phim của các cơ quan nhà nước.
Cần tạo cơ chế thu hút đầu tư trường quay điện ảnh kết hợp du lịch, văn hóa và không dùng ngân sách nhà nước
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhận thấy, so với dự thảo luật trình trong Kỳ họp thứ 2 thì dự thảo Luật lần này đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân và đã chỉnh sửa quy định hợp lý hơn, đảm bảo tính logic, thống nhất và đồng bộ với các quy định khác của pháp luật, tập trung tháo gỡ các chính sách để phát triển điện ảnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí cao với những quy định ở trong dự thảo luật, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đầu tư kinh phí để xây dựng trường quay hiện đại, đồng thời hoàn toàn nhất trí với ý kiến giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo. Việc xây dựng trường quay hiện đại sẽ cung cấp dịch vụ sản xuất phim rất quan trọng và trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta chưa thu hút được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng trường quay thì Nhà nước hỗ trợ là hết sức hợp lý. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, để đảm bảo khai thác tốt hiệu quả đầu tư của các trường quay thì chúng ta cần có cơ chế gắn kết trường quay với các hoạt động du lịch và giải trí.
Nhằm tránh việc Nhà nước đầu tư hỗ trợ xây dựng trường quay hiện đại nhưng chỉ để phục vụ hoạt động du lịch và giải trí, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể chi tiết việc sử dụng trường quay hiện đại được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, làm sao cho đúng với mục tiêu chính là để phát triển điện ảnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cũng đồng tình tại Điều 5 của dự thảo đối với chính sách của Nhà nước hỗ trợ phát triển điện ảnh. Bởi vì để văn hóa ngang tầm với kinh tế và chính trị, chúng ta phải hỗ trợ đầu tư và cần có những chính sách hỗ trợ một cách tốt nhất và nhanh nhất, kịp thời nhất để chúng ta có một nền công nghiệp điện ảnh đậm đà bản sắc dân tộc nhưng phải tiên tiến.
Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Văn Khải băn khoăn đến việc dùng ngân sách để đầu tư trường quay. Hiện nay tại điểm y khoản 2 của Điều 5 quy định là Nhà nước đầu tư và có phải là khuyến khích như vậy? Theo quan điểm của đại biểu, Nhà nước vẫn đầu tư là chính, chúng ta xác định Nhà nước sẽ đầu tư trường quay như trong dự thảo luật. Nhưng đại biểu cho rằng, để có một trường quay hiện đại thì phải đầu tư rất lớn, phải có quy hoạch, kế hoạch, phải có thiết kế, phải có dự án bài bản, công phu, phân tích hiệu quả và đặc biệt là quá trình quản lý khai thác sau khi đầu tư được triển khai như thế nào.
“Nếu trường quay đó đầu tư từ ngân sách thì tài sản hình thành là tài sản công, tài sản công thì phải được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật tài sản công. Khi tài sản công đã hình thành phải có một đơn vị sự nghiệp công, hình thành bộ máy quản lý con người, chi phí duy trì bộ máy, bảo dưỡng rồi sau đó là phát triển ngày càng tốt hơn, lớn hơn”, đại biểu Trần Văn Khải giải thích.
Tuy nhiên trên thực tế cho thấy việc này rất khó khả thi. Đại biểu cho rằng, nguồn vốn ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, không đủ trình tự, thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư công thì rất phức tạp và chậm, còn nhiều vướng mắc. Năng lực quản lý, khai thác, vận hành của bộ máy đối với các đơn vị sự nghiệp công thường yếu, thiếu chuyên nghiệp và khó tránh khỏi lãng phí cũng như là dự án kém hiệu quả.
Đại biểu Trần Văn Khải cũng nêu kinh nghiệm một số nước trên thế giới đã xã hội hóa chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư của tư nhân. Đối với những trường quay thì họ đều có những nguồn thu rất tốt. Đại biểu lấy ví dụ như tại Trung Quốc, phim trường Hoành Điếm tọa lạc tại thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang có tổng diện tích là 32 km2, được coi là phim trường lớn nhất của thế giới, được mệnh danh là Hollywood của phương Đông. Phim trường Hoành Điếm được xây dựng từ năm 1996 và liên tục mở rộng các công trình mới đến bây giờ. Ước tính chi phí xây dựng phim trường Hoành Điếm đến nay khoảng 5 tỷ USD. Phim trường này là bối cảnh quay hơn 4000 bộ phim truyền hình quen thuộc với khán giả Việt Nam như Anh Hùng Xạ Điêu, Hoàng Kim Giáp, Vô Cực, Họa Bì, Chân Hoàn Truyện, Mỹ Tâm Kế, Hoa Thiên Cốt... Nhờ có phim trường Hoành Điếm này mà vùng nông thôn nghèo của Trung Quốc đã trở thành khu du lịch nổi tiếng. Người dân tại đây thường vào vai quần chúng và phát triển các dịch vụ du lịch phục vụ khách thập phương. Phim trường Hoành Điếm không thu tiền của các đoàn phim nhưng có dịch vụ cho thuê trang phục, đạo cụ, khách du lịch cũng phải trả tiền vé vào tham quan được thỏa thích hóa thân thành các nhân vật cổ trang. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 20 đoàn phim đang hoạt động tại đây.
Tóm lại, liên quan đến chính sách phát triển điện ảnh, đặc biệt là điểm i khoản 2 của Điều 5, đại biểu Trần Văn Khải kiến nghị cần tạo cơ chế thu hút đầu tư trường quay điện ảnh kết hợp du lịch, văn hóa và không dùng ngân sách nhà nước./.