Trong phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường ngày 19/6 về dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội không nhất trí bổ sung quy định cơ quan Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Bên cạnh đó, vẫn còn ý kiến cho rằng đây là những cơ quan đặc thù để bảo đảm việc phát hiện kịp thời và có thể giữ được những tài liệu, chứng cứ ban đầu thì nên giao thẩm quyền này nhất là đối với kiểm ngư để thực hiện chủ quyền của Nhà nước ta trên vấn đề Biển Đông.
Đại biểu Nguyễn Đức Chung-Hà Nội Ảnh: Văn Bình
Mở đầu phần phát biểu, đại biểu Nguyễn Đức Chung-Hà Nội cho rằng không nên mở rộng điều tra cho các cơ quan kiểm ngư, chứng khoán, thuế. Đại biểu lập luận, việc mở rộng cơ quan điều tra là không cần thiết bởi theo định hướng cải cách tư pháp, theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, cần thu gọn đầu mối cơ quan điều tra. Mặt khác, theo Quyết định 92 của Bộ Chính trị, trước mắt từ nay đến năm 2020 giữ nguyên hệ thống cơ quan điều tra như hiện nay. Thực tế trong quá trình điều tra, các cơ quan điều tra, khi có yêu cầu điều tra lĩnh vực trốn thuế hoặc lĩnh vực chứng khoán đều có quyền ra quyết định trưng cầu chuyên gia.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Đức Chung, đại biểu Trần Ngọc Vinh-Hải Phòng, Bùi Mậu Quân-Hải Dương và Đỗ Văn Đương-TP.HCM đề nghị không mở rộng cơ quan điều tra ban đầu đối với cơ quan thuế, chứng khoán, kiểm ngư bởi đây là các cơ quan hành chính, không có đội ngũ điều tra viên chuyên nghiệp, không có chuyên môn dễ dẫn đến bắt nhầm người, oan sai hoặc đối tượng phạm tội có thể bỏ trốn, thông cung, tiêu hủy chứng cứ.
Đại biểu Bùi Mậu Quân-Hải Dương Ảnh: Đình Nam
Đại biểu Bùi Mậu Quân-Hải Dương nói thêm, nếu giao thẩm quyền tiến hành điều tra cho các cơ quan trên với lý do đây là các cơ quan chủ quản có chuyên môn sâu về lĩnh vực này, dễ phát hiện tội phạm và giảm tải cho cơ quan Cảnh sát điều tra thì hoàn toàn có thể mở rộng cho các cơ quan như môi trường, Ngân hàng Nhà nước, kiểm toán, thanh tra, thông tin truyền thông... là các cơ quan có đặc điểm tương tự như các cơ quan trên. Điều này sẽ trái với chỉ đạo của Bộ chính trị về việc thu gọn đầu mối các cơ quan điều tra.
Đại biểu Đỗ Văn Đương-TP.Hồ Chí Minh cho biết, đa phần cử tri rất sợ có nhiều cơ quan điều tra vì như vậy, sẽ có nhiều người có quyền bắt người, khởi tố. Người có quyền hành chính lại có quyền tư pháp như vậy người ta sẽ lợi dụng quyền tư pháp để thực hiện. Việc này không phù hợp với chủ trương là thu hẹp đầu mối cơ quan điều tra trong chiến lược cải cách tư pháp.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền-TP Hà Nội
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền-TP Hà Nội cho rằng, không có cơ sở lý luận và thực tiễn để tiếp tục mở rộng phạm vi các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Đại biểu cho biết, qua giám sát và khảo sát của Ủy ban Tư pháp trong nhiều năm qua cho thấy các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra, một số rất ít khởi tố điều tra theo thẩm quyền, hầu hết các vi phạm đều được xử lý hành chính.
Qua giám sát cũng thấy có những vụ việc nhẽ ra phải xử lý bằng biện pháp hình sự, nhất là những vụ việc về buôn lậu, khai thác lâm sản trái phép, phá hoại rừng, nhưng lại được xử lý hành chính. Thực tế đó cho thấy, càng mở rộng phạm vi các cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra thì càng có nguy cơ bỏ lọt tội phạm.
Đại biểu Dương Ngọc Ngưu-Điện Biên
Với quan điểm ngược lại, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền-Lâm Đồng và Dương Ngọc Ngưu-Điện Biên hoàn toàn tán thành quy định các cơ quan thuế, kiểm ngư, chứng khoán được cho phép điều tra ban đầu vì đây là những cơ quan có hoạt động chuyên sâu.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc mở rộng thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế, kiểm ngư, chứng khoán là lập luận của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hòa Bình đề nghị Quốc hội nên ủng hộ việc tăng thẩm quyền điều tra cho cơ quan kiểm ngư, còn hai cơ quan thuế và ủy ban chứng khoán thì các đại biểu Quốc hội đồng tình hay không vẫn cần thảo luận thêm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Đại biểu Nguyễn Hòa Bình-Quảng Ngãi
Phân tích thêm về quy định này, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nêu dẫn chứng, việc hiện diện của ngư dân trên biển rất nhiều nhưng việc quản lý trên biển thì chúng ta vẫn đang bàn. Nếu giao kiểm ngư quyền này thì chúng ta sẽ chuyển đến cho quốc tế được thông điệp Nhà nước Việt Nam đã thực hiện sự quản lý đối với sự hiện diện của người dân trên biển vì vậy đề nghị Quốc hội ủng hộ việc này.