Quốc hội thảo luận về dự án Luật tạm giữ, tạm giam

19/06/2015

Chiều 19/6, Quốc hội đã có phiên họp toàn thể tại hội trường về dự án Luật tạm giữ, tạm giam. Dự án Luật tạm giữ, tạm giam được đánh giá là dự án luật quan trọng nằm trong hệ thống các đạo luật liên quan đến cải cách tư pháp, thực hiện Hiện pháp 2013, khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác tạm giữ, tạm giam hiện nay.

Thảo luận tại hội trường, các vị đại biểu Quốc hội cũng tán thành với các quan điểm và nhiều nội dung được nêu trong Tờ trình dự án luật này. Các vị đại biểu Quốc hội yêu cầu các quy định cần phải cụ thể, rõ ràng, minh bạch, khả thi và bảo đảm tính thống nhất, nhất là các quy định liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của cơ quan, người có thẩm quyền tạm giữ, tạm giam và quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam.

Về mô hình quản lý trại tạm giữ, tạm giam

Một trong các vấn đề được nhiều vị đại biểu quan tâm là hệ thống tổ chức nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong tạm giữ, tạm giam. Quan ngại về tính khách quan của băng ghi âm, ghi hình do chính các cơ sở tạm giữ, tạm giam thuộc huyện, tỉnh quản lý, đại biểu Đặng Thị Kim Chi-Phú Yên đề nghị nên quản lý trại tạm giam, tạm giữ theo mô hình dọc, cụ thể là đưa về Tổng cục 8 trực thuộc Bộ Công an quản lý.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi-Phú Yên                                                                                                              Ảnh: Văn Bình

Trái chiều quan điểm, đại biểu Phạm Xuân Thường-Thái Bình, Lê Đông Phong-TP.HCM, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Bởi theo các đại biểu này, qua thực tiễn chứng minh thì công tác quản lý giam giữ trong thời gian vừa qua theo mô hình này cho đến giờ phút này không có vấn đề gì. Thứ hai, nếu tổ chức độc lập có nghĩa phải xây dựng thêm khoảng 700 nhà tạm giam và 700 nhà tạm giữ. Như vậy, nếu tách ra theo hệ thống ngành dọc đầu tư kinh phí rất lớn và cũng không khắc phục được bất cập hiện nay.

Theo đại biểu Phạm Xuân Thường, đại biểu Hồ Trọng Ngũ, quan trọng là giáo dục đạo đức cho các cán bộ điều tra cùng với các thủ tục pháp lí thực hiện chặt chẽ sẽ khắc phục được tình trạng này.

Về việc thi hành án, quản lý người bị kết án tử hình

Hiện nay, có hai luồng ý kiến về việc quản lý người bị kết án tử hình: một số đại biểu đề nghị quản lý tập trung, giam chung các bị án tử hình vào một nơi; một số khác đề nghị giữ nguyên mô hình hiện nay, quản lý các đối tượng này ngay tại trại giam. Nắm vững tình hình quản lý các bị can thi hành án tử hình ở các địa phương, đại biểu Phạm Xuân Thường-Thái Bình, Lưu Thị Huyền - Ninh Bình cảnh báo, nếu dồn các đối tượng này vào một trại tập trung sẽ rất khó khăn cho công tác bảo vệ, rủi ro rất lớn, cán bộ quản lý phải chịu sức ép cao. Cũng phản đối việc tập trung các đối tượng bị kết án tử hình, đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho rằng nên để nhà tạm giam nhưng kiên cố hoá nhà tạm giam tử hình. 

Đại biểu Lưu Thị Huyền- Ninh Bình                                                                                                          Ảnh: Đình Nam

Liên quan đến công tác thi hành án tử hình, trước thực trạng mỗi trường hợp thi hành án tử hình phải đưa từ Lào Cai xuống Sơn La để tiêm thuốc độc chi phí khoảng từ 200-300 triệu đồng, đưa từ Thái Bình vào Nghệ An cũng tốn kém cỡ đó mà quan trọng nhất là không an toàn, đại biểu Phạm Xuân Thường đề nghị bên cạnh việc giam các đối tượng tử hình tại các trại tạm giam cấp tỉnh như hiện nay, cần tạo điều kiện cho Bộ Công an tổ chức những xe thi hành án lưu động để thuận tiện cho việc thi hành án tử hình và vẫn giữ mô hình quản lý các bị án tử hình tại các trại tạm giam của công an tỉnh.

Về chế độ, quyền lợi của người bị tạm giữ, tạm giam

Phản ánh quy định về chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của dự thảo luật quá chi tiết, cụ thể về định lượng, danh mục các loại thực phẩm dành cho đối tượng này, vô hình trung tạo nên sự rối rắm một cách không cần thiết trong các quy định cứng về luật, đại biểu Đỗ Ngọc Niên-Bình Thuận, Lê Đông Phong-TP.HCM đề nghị Luật chỉ nên quy định chế độ cho người bị tạm giữ, tạm giam theo nguyên tắc chung, giao những vấn đề chi tiết cho Chính phủ điều chỉnh phù hợp tùy đối tượng, lứa tuổi người bị tạm giữ, tạm giam, đồng thời bổ sung chế độ về tập luyện thể lực, rèn luyện thân thể cho người bị tạm giữ, tạm giam

Nhiều đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn về chế độ của người chưa thành niên, phụ nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đồng tính, người có quốc tịch nước ngoài, người cao tuổi…, đại biểu Nguyễn Minh Phương-Cần Thơ đề nghị, cần cụ thể hóa chế độ chăm sóc đặc biệt với đối tượng này như bệnh nặng, bệnh quá khả năng điều trị cần chuyển lên tuyến trên hoặc thông báo nhân thân biết để chăm sóc.

Đại biểu Nguyễn Minh Phương- Cần Thơ                                                                                                                 

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần lưu ý những chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân gây ra tình trạng bị bệnh nặng hơn hoặc thậm chí gây tử vong cho người bị tạm giữ, tạm giam. Đối với phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, cần có những quy định chăm sóc y tế đặc biệt, bảo đảm điều kiện nuôi con. Cũng góp ý về vấn đề này, đại biểu Lưu Thị Huyền-Ninh Bình cho rằng, dự thảo Luật cần có những quy định bảo đảm bình đẳng giới cho phù hợp.

Đánh giá cao điểm tiến bộ của Dự án Luật khi cho phép người tạm giữ, tạm giam có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn-Bình Thuận cho rằng, sẽ là tiến bộ hơn nữa nếu Dự thảo Luật cho phép người bị tạm giữ, tạm giam có quyền khởi kiện khi bản thân bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp.

Bên cạnh đó, không ít đại biểu cho rằng, nên phân biệt một cách thống nhất đối tượng người tạm giữ, tạm giam chưa có tội và đã có tội. Người bị tạm giữ, tạm giam khi chưa có tội là công dân bình thường, có đầy đủ quyền công dân và không ai có quyền xâm phạm quyền ấy. Do đó, dự thảo Luật cần quy định riêng rẽ về quyền và nghĩa vụ của hai nhóm đối tượng này, đảm bảo quyền công dân và phù hợp với các chương, điều khác như quy định về nhà tạm giữ, tạm giam riêng.

Đại biểu Trương Minh Hoàng-Cà Mau                                                                                                                               

Liên quan đến các hành vi nghiêm cấm của người bị tạm giữ, tạm giam, đại biểu Trương Minh Hoàng-Cà Mau đề nghị, nên bổ sung thêm khoản nghiêm cấm quá trình ở trại nhà tạm giữ, trại tạm giam cần quy định không được đưa các loại tài liệu, vật liệu, hung khí vào trại tạm giam. Đại biểu cũng đề xuất bổ sung quyền thành khẩn khai báo đối với người bị tạm giữ, tạm giam, giúp họ giảm nhẹ tội, sớm thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời đem lại công bằng cho người khác.

Với quy định người bị giam giữ nếu vi phạm nội quy cơ sở giam giữ thì tùy mức độ vi phạm mà bị cùm chân, đại biểu Phạm Thị Kim Chi-Phú Yên góp ý phải bỏ quy định này do người bị tạm giam, tạm giữ chưa hẳn đã là tội phạm, quy định như vậy sẽ vi phạm quyền con người, chỉ nên giam họ ở phòng cách ly là đủ.

Bảo Yến