ĐBQH TRIỆU THANH DUNG - CAO BẰNG: CẦN RÀ SOÁT, BỔ SUNG CÁC LĨNH VỰC KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN TRỒNG TRỌT ĐỂ PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ

12/06/2018

Chiều 8/6, cho ý kiến về dự thảo Luật Trồng trọt tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Triệu Thanh Dung đề nghị cần rà soát, bổ sung các lĩnh vực khác liên quan đến trồng trọt như nước tưới, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng công nghệ cao sản xuất, trồng trọt…sao cho phù hợp với thực tế, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật.

Đại biểu Triệu Thanh Dung phát biểu 

Thảo luận ý kiến tại phiên làm việc, đại biểu Triệu Thanh Dung nhận định sản xuất, trồng trọt giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ hiện nay, cùng với quá trình hội nhập và thúc đẩy phát triển thị trường nông sản quốc tế đã tác động rõ rệt đến hoạt động sản xuất, trồng trọt của Việt Nam, trong khi sản xuất, trồng trọt của chúng ta còn nhiều khâu yếu. Do đó, việc xây dựng Luật Trồng trọt để luật hóa các quy định quản lý, điều chỉnh các hành vi của mọi đối tượng tham gia trong chuỗi sản xuất, tạo nên một nền sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng theo đại biểu là rất bức thiết. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Triêu Thanh Dung có một số ý kiến như sau:

Một, về bố cục dự thảo luật. Mặc dù cơ quan soạn thảo có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn chưa cân xứng giữa các nội dung cần điều chỉnh. Luật gồm 82 điều thì có đến 54 điều liên quan đến giống và phân bón, còn ít điều luật điều chỉnh các yếu tố quan trọng khác liên quan đến trồng trọt như nước tưới, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng công nghệ cao sản xuất, trồng trọt. Đại biểu đề nghị cần rà soát, bổ sung các lĩnh vực khác liên quan đến trồng trọt cho phù hợp với thực tế, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật.

Hai, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, việc phát triển trồng trọt còn nhỏ lẻ, manh mún, do nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế. Do vậy, nên bổ sung quy định về chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển trồng trọt tại các vùng này. Có chính sách đầu tư bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, cây trồng quý hiếm để nhân giống, lai tạo, nâng cao chất lượng cây trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ba, về xử lý các vi phạm về sản xuất kinh doanh giống cây trồng. Hiện nay việc các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về sản xuất, buôn bán giống cây trồng còn khá phổ biến, nhất là việc sản xuất, buôn bán cây trồng không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn đăng ký và thông tin công bố, quảng cáo về giống. Việc này gây nhiều tổn thất cho trồng trọt, trực tiếp là người nông dân. Nhiều nông dân đã phải điêu đứng vì giống cây trồng kém chất lượng. Do đó, đại biểu đánh giá cao và đồng tình với khoản 2 Điều 30 quy định tổ chức, cá nhân sử dụng giống cây trồng được bồi thường thiệt hại do lỗi của chủ sở hữu giống cây trồng, hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh gây ra.

Tuy nhiên, khi quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng tại Điều 36 lại không có quy định bắt buộc phải bồi thường cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do sử dụng giống cây trồng kém chất lượng gây ra. Đây là một mâu thuẫn, nếu không bổ sung rất khó buộc những tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng kém chất lượng bồi thường thiệt hại do mình gây ra. Do vậy, đại biểu Triệu Thanh Dung đề nghị bổ sung thêm nghĩa vụ trên đối với tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng.

Ngoài ra, chế tài xử lý là một trong những biện pháp ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm và thực tế trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Hiện nay chúng ta đang thực hiện theo quy định của Nghị định số 114/2013, ngày 3 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Tuy nhiên, trong dự thảo luật cũng chưa có điều, khoản nào quy định chế tài xử lý các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vấn đề này.

Bốn, về phân bón. Đại biểu Triệu Thanh Dung nhận thấy chưa có sự phân loại các loại phân bón trong dự thảo luật, chỉ có một khái niệm chung về phân bón. Trong khi thực tế phân bón được chia làm nhiều nhóm, nhiều loại, chính vì chưa tách bạch rõ ràng nên các quy định về sản xuất, kinh doanh phân bón, quản lý chất lượng, nhãn, đặt tên trong dự thảo luật còn nhiều quy định chưa phù hợp. Do vậy, đại biểu đề nghị cần phân loại rõ phân bón gồm có phân bón hữu cơ, phân bón vô cơ, phân vi sinh, v.v... Trên cơ sở đó có các quy định về sản xuất, kinh doanh cho từng nhóm, loại phân bón cho phù hợp.

Trong dự thảo Luật Trồng trọt, vấn đề quy hoạch được xác định nhưng chưa đầy đủ nên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số nội dung về quy hoạch như thẩm quyền xây dựng và lập quy hoạch, nguyên tắc lập quy hoạch phát triển sản xuất trồng trọt, quy định cụ thể trong tổ chức thực hiện quy hoạch và kiểm tra, giám sát trong thực hiện hoạt động quy hoạch trồng trọt. Các nội dung quy hoạch trong trồng trọt cần phù hợp với Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua và chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước./.

 

Mai Trang

Các bài viết khác