ĐBQH TRẦN XUÂN HÙNG - HÀ NAM: CẦN BỔ SUNG CÁC CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY TRỒNG

12/06/2018

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, chiều ngày 08/6, tại phiên thảo Luận ở Hội trường về mốt số nội dung của dự thảo Luật Trồng trọt, ĐBQH Trần Xuân Hùng đề nghị cần bổ sung các chính sách thúc đẩy phát triển giống cây trồng.

 Đại biểu Trần Xuân Hùng phát biểu tại phiên họp

Qua nghiên cứu dự án Luật Trồng trọt, đại biểu Trần Xuân Hùng xin tham gia một số ý kiến như sau:

Theo đại biểu Trần Xuân Hùng, về khái niệm và tên gọi, khái niệm trồng trọt theo quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo là toàn bộ quá trình canh tác được tạo ra sản phẩm và sử dụng nó một cách có mục đích khác nhau, trong khi đó phạm vi điều chỉnh dự thảo luật ngoài vấn đề canh tác chúng ta còn điều chỉnh đến hoạt động quản lý nhà nước về phân bón, về thu hoạch, về chế biến, xuất nhập khẩu, như vậy nội hàm của khái niệm trồng trọt hẹp hơn nhiều so với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Trong khi đó tên gọi của luật là Luật Trồng trọt lại không bao quát hết phạm vi điều chỉnh. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét lại tên gọi của luật với phạm vi điều chỉnh của luật cho phù hợp và bao quát hơn.

Một số chính sách về phát triển trồng trọt, theo tôi để phát triển được nền nông nghiệp Việt Nam tiên tiến, cạnh tranh theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế thành công thì chúng ta phải bắt đầu từ giống cây trồng, đây là gốc của vấn đề. Tuy nhiên nghiên cứu toàn bộ nội dung của dự thảo, các chính sách thúc đẩy phát triển giống cây trồng hầu như vắng bóng và rất mờ nhạt trong dự thảo, không có một chính sách cụ thể nào dành cho chủ thể cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, chính sách phát triển nông nghiệp của Việt Nam phải trả lời cho được câu hỏi chúng ta phải phát triển sản phẩm nông nghiệp gì và phát triển ở thị trường nào, đó là câu chuyện của chính sách và bắt đầu từ việc hỗ trợ giống cây trồng chất lượng cao.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây nền nông nghiệp Việt Nam đã hội nhập hết sức sâu rộng, điều đó cũng đồng nghĩa với ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn của thị trường quốc tế. Với những thành tựu của khoa học, công nghệ như hiện nay, một nền nông nghiệp cạnh tranh thành công chắc chắn phải bắt đầu từ ngành giống đạt trình độ của quốc tế. Thực tế hiện nay cho thấy hiện số lượng giống được công nhận nhiều nhưng giống chất lượng và giá trị thương mại chưa thực sự có hiệu quả. Theo thống kê được từ năm 2008 đến năm 2014 cả nước có 126 giống lúa được công nhận nhưng những giống lúa trồng phổ biến hiện nay ở các tỉnh phía Bắc chỉ gồm 3 giống do Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương nghiên cứu tạo ra: Thiên ưu 8, Khang Dân đột biến, 2 giống nhập nội từ Trung Quốc, giống Bắc thơm số 7 và Hương thơm số 1, giống BC15 do Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình chọn, tạo làm giống chủ lực cho tỉnh Thái Bình và Thanh Hóa. Các giống cây nông nghiệp đã được công nhận là 189 loại, nhưng số giống được áp dụng phổ biến trong sản xuất chỉ đạt khoảng 30%, trong khi đó hiện nay nước ta vẫn phải nhập khẩu với số lượng giống lớn, cụ thể hiện nay Việt Nam nhập khẩu khoảng 65% giống lúa lai.

Mặt khác, qua quá trình chuyển giao giống mới và sản xuất còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa Viện Nghiên cứu với các đơn vị sản xuất giống, nhất là các doanh nghiệp, thực tế đó tôi đề nghị cần có chính sách hỗ trợ và phát triển giống cây trồng và chính sách này cần được xác định trong từng thời kỳ. Một số ý kiến cụ thể, đề nghị giải thích từ ngữ khái niệm trồng trọt, theo Bách khoa toàn thư trồng trọt là hoạt động của con người nhằm tác động vào đất đai và giống cây trồng để tạo ra sản phẩm trồng trọt khác nhau.

Với khái niệm này thì giải thích từ ngữ theo quy định tại Điều 3 khoản 1 là chưa đầy đủ, thiếu cụm từ "của con người". Đề nghị giải thích lại khái niệm mẫu giống chuẩn quy định tại Điều 3 khoản 13. Theo quy định này thì mẫu giống chuẩn là mẫu giống đầu tiên do chủ sở hữu cung cấp, trước khi đưa vào khảo nghiệm và sử dụng bởi đã nói đến mẫu chuẩn thì phải gắn liền với bản mô tả giống và phải được cơ quan có thẩm quyền khảo nghiệm vì khi gửi mẫu khảo nghiệm chưa thể xác định được đó là mẫu chuẩn vì có thể khi đó giống chưa đảm bảo về DOS, tức là chưa khảo nghiệm được về tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng tại khoản 16 Điều 3. Vì vậy, chỉ có thể coi đó là mẫu giống gửi khảo nghiệm chỉ khi đảm bảo DOS thì mới được coi là giống chuẩn.

Về nguyên tắc và chính sách phát triển trồng trọt quy định tại Điều 4 và Điều 6 của dự thảo. Đề nghị gộp chung 2 điều này thành một bởi lẽ nguyên tắc về trồng trọt là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực trồng trọt và quan điểm, tư tưởng chỉ đạo này phải được thể chế hóa thành chính sách để áp dụng trên thực tiễn. Do đó cần hợp nhất 2 điều này thành một.

Về phân vùng địa lý, công nhận giống cây trồng, khoản 18 Điều 3, Điều 11, Điều 12 và Điều 22 của dự thảo có một số ý kiến đã phân tích trước tôi. Trong này Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu vấn đề có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất chia thành 3 vùng địa lý là Bắc, Trung, Nam. Loại ý kiến thứ hai đề nghị chia thành 7 vùng sinh thái như hiện nay. Theo quan điểm của tôi đề nghị cần chia thành 7 vùng sinh thái như hiện nay. Bởi vì nếu chia vùng địa lý thành 3 vùng như dự thảo luật, Bắc Bộ, Thừa Thiên Huế trở ra Trung Bộ gồm Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; Nam Bộ gồm Đồng Nai và đồng bằng sông Cửu Long là không đúng thực tiễn. Thực tế, Tây Nguyên khác xa với duyên hải Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ cũng khác xa trung du miền núi phía Bắc. Nếu tiến hành khảo nghiệm về tính khác biệt, tính ổn định, giá trị canh tác và sử dụng cùng một giống cây trồng như tại hai địa phương đặc điểm khác nhau thì kết quả sẽ không giống nhau. Ví dụ, cũng ở Trung Bộ nhưng khảo nghiệm ở tỉnh Gia Lai lại khác với tỉnh Bình Thuận vì điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, lượng mưa và một số vấn đề khác khác nhau.

Tại Điều 78 quy định trách nhiệm của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ trong đó quy định rõ ràng, cụ thể, trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp. Trong khi đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm trực tiếp đến hoạt động trồng trọt lại không được quy định cụ thể như: hoạt động xuất nhập khảu phân bón, giống cây trồng, máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, hoạt động quản lý thị trường, an toàn thực phẩm, v.v... Tôi đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Công Thương trong điều này, không quy định chung chung như khoản 3 Điều 78.

 

Mai Trang

Các bài viết khác