ĐBQH PHẠM VĂN TUÂN - THÁI BÌNH: ĐỀ NGHỊ BỎ CÔNG NHẬN GIỐNG CÂY TRỒNG...

12/06/2018

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, chiều 8/6, tại phiên thảo luận ở Hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Trồng trọt, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân đề nghị bỏ công nhận giống cây trồng mà thay vào đó là quản lý theo tiêu chuẩn và quy chuẩn chất lượng giống.

Đại biểu Phạm Văn Tuân tán thành cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường

Trình bày ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Trồng trọt, đại biểu Phạm Văn Tuân tán thành cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội về Dự án Luật Trồng trọt về sự cần thiết ban hành Luật Trồng trọt bởi đây sẽ là hành lang pháp lý đầy đủ hơn trong quản lý, kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất theo chuỗi từ khâu giống cho đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ và tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và tạo lợi thế cạnh tranh phù hợp với các điều ước quốc tế.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật. Vì vậy, đại biểu xin tham gia một số nội dung chính sau đây:

Thứ nhất, qua nghiên cứu thực tiễn 14 năm thực hiện Pháp lệnh Giống cây trồng và tham khảo mô hình quản lý giống cây trồng của một số nước trong khu vực và thế giới. Dự báo mô hình sản xuất nông nghiệp theo cơ chế thị trường trong tương lai. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu đổi mới trong việc quản lý giống cây trồng đối với một số vấn đề như quản lý chặt chẽ việc bảo hộ giống cây trồng, giống cây trồng biến đổi gen, chuyển quản lý giống cây trồng từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Bỏ công nhận giống cây trồng mà thay vào đó là quản lý theo tiêu chuẩn và quy chuẩn chất lượng giống, bởi vì cơ chế thị trường, người sản xuất sẽ là người quyết định lựa chọn giống cây trồng. Những giống có đầu ra và có giá trị kinh tế cao chứ không theo tiêu chí giống đó có được công nhận hay không. Suy cho cùng, chất lượng giống cây trồng trên thị trường vẫn do những đơn vị cung cấp là doanh nghiệp chịu trách nhiệm.

Thực tế những năm qua cho thấy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận đến hàng trăm giống cây trồng, nhưng trong sản xuất nông dân chỉ chọn rất ít giống cây trồng tốt, có giá trị kinh tế cao để sản xuất. Như vậy, việc công nhận giống chỉ có giá trị tham khảo. Do đó, đại biểu đề nghị chỉ nên quy định quản lý những giống cây trồng chính như lúa, ngô là cây trồng có cơ cấu lớn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, không nên quản lý tất cả các loại giống cây trồng khác vì quy định này không thực tế, không cần thiết và cũng không thể thực hiện được. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần làm tốt công tác quản lý chất lượng giống bán trên thị trường theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn như hiện nay đã bảo đảm yêu cầu về chất lượng và sẽ giảm bớt được rất nhiều thủ tục hành chính hiện nay, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và cho sản xuất, kinh doanh.

Hai, về bảo hộ giống, cây trồng, đây là vấn đề ở tất cả các nước, các tổ chức trên thế giới đều coi trọng. Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới UPOV khi tham gia WTO, việc bảo hộ giống cây trồng góp phần cực kỳ quan trọng đến việc nghiên cứu, phát triển giống cây trồng, nếu không thực hiện quản lý tốt nội dung này, ngành giống cây trồng sẽ không thể phát triển. Tuy nhiên, trong dự thảo luật các quy định về bảo hộ quyền tác giả đối với giống cây trồng, công nhận quyền tác giả giống cây trồng và quy định về công nhận lưu hành giống và công nhận giống để sản xuất là chưa rõ ràng, đầy đủ và thiếu tính thống nhất với các nội dung đã quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần sửa đổi, rà soát nghiên cứu những nội dung nào liên quan đến bảo hộ giống cây trồng đã quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ thì không nên quy định trong luật này để đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất cao.

Ba, trong dự thảo luật cần có tầm nhìn xa và tính dự báo những năm tiếp theo để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp giống cây trồng gắn với sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về xây dựng ngành công nghiệp hóa giống cây trồng. Bổ sung các quy định về việc thiết lập hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và thương mại, xuất nhập khẩu, trao đổi nguồn gen trong sản xuất nông nghiệp.

Bốn, về vấn đề dự trữ quốc gia về giống cây trồng. Hoạt động dự trữ quốc gia về giống cây trồng hiện nay có rất nhiều bất cập, chỉ rất ít doanh nghiệp được giao nhiệm vụ này trong khi doanh nghiệp đó không phải là của Nhà nước. Thậm chí có thể là một quỹ đầu tư của nước ngoài. Cùng với đó là việc chỉ sử dụng một giống bản quyền của một doanh nghiệp để làm giống dự trữ quốc gia, vô hình trung đã đem lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp này từ nguồn vốn nhà nước. Tuy nhiên, khi xảy ra dịch bệnh của giống đó gây thiệt hại lớn cho tổ chức, cá nhân và người sản xuất cho nông dân thì doanh nghiệp lại không phải chịu trách nhiệm gì.

Mặt khác, giống dự trữ quốc gia thường không nằm trong cơ cấu của các địa phương, không kịp thời vụ gieo trồng và không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng, miền, không được nông dân sử dụng. Trong khi đó, dự thảo luật không đề cập gì tới vấn đề này. Đại biểu Phạm Văn Tuân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cụ thể, chi tiết nội dung này về dự trữ quốc gia về giống.

 

Mai Trang

Các bài viết khác