ĐBQH K`NHIỄU - LÂM ĐỒNG: CẦN BỔ SUNG QUY PHẠM ĐIỀU CHỈNH VỀ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT, THUỐC TRỪ SÂU, THUỐC DIỆT CỎ

12/06/2018

Cho ý kiến về dự thảo Luật Trồng trọt, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH K`Nhiễu cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung thêm những quy phạm điều chỉnh liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ là một trong các thành tố không thể thiếu trong canh tác nông nghiệp.

Đại biểu K`Nhiễu phát biểu tại phiên họp

Trình bày ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu K`Nhiễu thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về dự thảo Luật Trồng trọt, đại biểu xin phát biểu ý kiến trực tiếp vào một số điều khoản.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1, phạm vi điều chỉnh như quy định dự thảo là tương đối hợp lý nhưng bản thân đại biểu rất băn khoăn, về vấn đề dự thảo Luật Trồng trọt chưa có quy định phạm vi điều chỉnh liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ là một trong các thành tố không thể thiếu trong canh tác nông nghiệp.

Thuốc bảo vệ thực vật có các ưu điểm tác động nhanh, triệt để, dễ sử dụng nên có thể nhanh chóng hạn chế, dập dịch đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây nên, nâng cao lợi nhuận cho nhà nông. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng, bảo quản tùy tiện các loại thuốc bảo vệ thực vật đang mang đến những hệ lụy to lớn cho nền sản xuất nông nghiệp nước nhà. Đây cũng là một trong những tác nhân rất lớn ảnh hưởng đến môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm của thực phẩm nông nghiệp và đang được dư luận xã hội quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, của cộng đồng. Vì vậy, kính đề nghị Ban soạn thảo quan tâm, nghiên cứu, xem xét, bổ sung vào nội dung này.

Thứ hai, về giải thích từ ngữ Điều 3 dự thảo luật. Trong Điều 3 có nhiều khoản có mối quan hệ với nhau nên đề nghị gộp lại cho phù hợp và giải thích thêm trong các văn bản chuyên ngành, như cây trồng hàng năm ở khoản 4, cây trồng lâu năm ở khoản 5, tính khác biệt của giống cây trồng ở khoản 9, tính đồng nhất của giống cây trồng ở khoản 10, lô giống cây trồng ở khoản 31, v.v... Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm khái niệm phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Vì thực tế cho thấy, hiện nay các văn bản quy định về hàng giả, hàng kém chất lượng nói chung và phân bón giả, phân bón kém chất lượng chưa đầy đủ, còn mâu thuẫn với nhau và chưa thuyết phục được doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý.

Thứ ba, về những hành vi bị cấm, quy định tại Điều 8 dự thảo luật. Đề nghị làm rõ quy định "sản xuất phân bón, sử dụng giống cây trồng chưa được lưu hành tại Việt Nam..." quy định tại khoản 1 Điều 8 dự thảo luật. Cần xác định rõ giống cây trồng bị cấm trong trường hợp này do lai tạo trong nước hay chỉ giống cây trồng có nguồn gốc tại nước ngoài. Quy định chưa rõ là cấm vì chưa được sử dụng phổ biến hay cấm vì chưa được phép lưu hành. Trong nội dung Điều 8 có 12 nhóm hành vi bị cấm có 10 nhóm hành vi liên quan đến giống cây trồng và phân bón, còn rất nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực trồng trọt đang là điểm nóng được dư luận xã hội quan tâm, nhưng dự thảo luật chưa đề cập đến. Đại biểu K`Nhiễu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các vấn đề như sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, ủ giá siêu tốc, vấn đề sử dụng tùy tiện các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, v.v..

Thứ tư, về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp giấy công nhận đủ điều kiện khảo nghiệm giống cây trồng, quy định tại Điều 18 và hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại giấy công nhận tổ chức, điều kiện khảo nghiệm ở giống cây trồng tại Điều 19. Đã có đại biểu trước tôi đã phân tích nên tôi xin không phân tích lại. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét gộp nội dung của Điều 18 và Điều 19 dự thảo luật và một khoản của Điều 27, quy định theo hướng là Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp, cấp lại giấy công nhận đủ điều kiện khảo nghiệm giống cây trồng.

 

Mai Trang

Các bài viết khác