ĐBQH TRẦN VĂN LÂM: LINH HOẠT ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA KẾT HỢP CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

11/10/2021

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho ý kiến về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, đại biểu Trần Văn Lâm ghi nhận chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ đã được Chính phủ điều hành với có sự tham gia vào cuộc rất tích cực, kịp thời của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

 

 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn Lâm

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn Lâm cho rằng năm 2021 thì trong bối cảnh điều kiện kinh tế xã hội dưới tác động của dịch bệnh càng về cuối năm thì càng khó khăn, thách thức, song dự báo cũng cho thấy có những dấu hiệu khởi sắc của kinh tế - xã hội trong quý 4/2021. Một trong những yếu tố tác động rất quan trọng đó là chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ đã được Chính phủ điều hành với có sự tham gia vào cuộc rất tích cực, kịp thời của Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội là điều kiện cho các chính sách tài khóa được ban hành kịp thời, linh hoạt, nhạy bén, đáp ứng yêu cầu tình hình thực tế và đáp ứng hiệu quả cho việc xử lý các tình huống đột xuất, khó khăn, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội ở các lĩnh vực.

Ghi nhận một số kết quả nổi bật, đại biểu Trần Văn Lâm cho biết, trong điều kiện khó khăn, tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục sụt giảm nhưng về tổng thể tình hình tài chính vẫn đảm bảo các cân đối lớn, đáp ứng các nhu cầu thu chi phục vụ các nhiệm vụ.

Kế hoạch thu vượt mục tiêu đề ra dù đang thực hiện các chính sách miễn, giảm, hoãn các khoản thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Điều này cho thấy, trong điều hành có sự sự tính toán cân đối, căn ke, khắt khe, sát sao và tương đối hiệu quả để đảm bảo nguồn thu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vừa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong hoàn cảnh nhất định.

Về chi ngân sách trong năm, dù dự toán được thiết kế một cách chặt chẽ, tiết kiệm thì trong bối cảnh đặt ra những thách thức thì Chính phủ điều hành đã tích cực đề xuất hiện các biện pháp tiết kiệm, tiếp tục tiết giảm chi thường xuyên, huy động các nguồn để dồn nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ đột xuất trong phòng, chống dịch.

Cùng với đó, việc ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, an sinh xã hội hiệu quả, khá kịp thời. Các yếu tố khác trong chính sách tài khóa như về giá cả, thị trường, về tài chính, bảo hiểm cũng khá là ổn định.

Chính sách tài khóa trong năm đã đảm bảo cân đối thu chi, giữ vững được ổn định vĩ mô và bội chi dự báo vẫn bảo đảm trong kế hoạch là dưới dưới 4%. Điều này cho thấy cố gắng, nỗ lực lớn. Song đại biểu cũng đề nghị lưu ý tỷ lệ bội chi, bởi tỷ lệ bội chi đề ra dưới 4% tính trên dự báo tăng trưởng khoảng 6,5%-6,8%, thực tế tăng trưởng giảm, GDP giảm thì tỷ lệ bội chi cũng phải giảm tương ứng, đòi hỏi các cơ quan hữu quan phải có tính toán, cân đối.

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 2

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Lâm cũng đề nghị lưu ý đến một số hạn chế trong thực hiện chính sách và một số kết quả chưa đạt như kế hoạch.

Một là, đầu tư công còn chậm mà yếu tố chủ quan là nguyên nhân chính từ phân bổ vốn, thực hiện kế hoạch giải ngân chậm chạp. Do đó cần làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong tổ chức thực hiện.

Hai là thoái, giảm vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong bối cảnh chậm giải ngân vốn đầu tư công như hiện nay, khoản thu được từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ phần hóa cũng là để chi đầu tư phát triển, thu vốn về mà không chi được là lãng phí. Mặt khác, khi tình hình kinh doanh khó khăn, chính sách đất đai đang nghiên cứu sửa đổi, việc định giá các doanh nghiệp, giá trị doanh nghiệp, đặc biệt các giá trị vô hình sẽ không thể được giá. Đại biểu đặt vấn đề bán trong điều kiện không được giá thì có nhất thiết phải đẩy mạnh bán không hoặc có thể chờ kinh tế được phục hồi, giá lên. Đại biểu cho rằng đây là một góc nhìn khác cần cân nhắc.

Nêu rõ thành tích trong việc phòng, chống dịch bệnh, trong việc ban hành cơ chế, chính sách thời gian vừa qua về cơ bản là nổi bật, rất đáng ghi nhận, song đại biểu Trần Văn Lâm cũng đề nghị cần thận trọng hơn trong việc ban hành các chính sách.

Theo đại biểu, vừa qua, các chính sách được ban hành nhiều nhưng cũng có những chính sách chưa hướng đến đúng trọng tâm hỗ trợ, chính sách còn dàn trải, trong khi những người thực sự khó khăn tiếp cận chính sách không được nhiều. Những người thực sự mất việc do dịch bệnh hay lao động tự do chưa có đủ căn cứ xác định nên các địa phương không dám chi. Hay chính sách hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp lại hướng đến các doanh nghiệp có lãi, trong khi các doanh nghiệp thua lỗ do ảnh hưởng của dịch lại không được hưởng chính sách. Trong khi ngân sách đã rất khó khăn lại càng khó khăn. Nếu như các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp có lãi được hòa vào ngân sách và chi cho các khoản hỗ trợ cấp bách sẽ phù hợp hơn.

Phân tích thêm về chính sách hỗ trợ lãi suất, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng vấn đề là các doanh nghiệp có vượt qua được những tiêu chuẩn để tiếp nhận các khoản vay hay không? Bởi các doanh nghiệp khi có các khoản nợ đến hạn nhưng trong hoàn cảnh khó khăn sản xuất kinh doanh, chuyển thành nợ xấu khi đó sẽ không thể tiếp cận được các khoản vay thì có hỗ trợ lãi suất cũng không vay được. Nếu chính sách đi sâu hơn giải quyết được những mấu chốt, nút thắt cần được tập trung để giải quyết thì chính sách sẽ thiết thực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.

Mặc dù chính sách là rất nhân văn nhưng chưa thực sự trúng trọng tâm, do đó, đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh mong muốn các chính sách được ban hành chặt chẽ, đúng trọng tâm, đúng đối tượng hơn nữa để phát huy tối đa nguồn lực./.

Bảo Yến