ĐẠI BIỂU LƯƠNG VĂN HÙNG: CẦN XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG CHÍNH QUY, TINH NHUỆ

27/10/2021

Phát biểu đóng góp ý kiến về dự thảo luật Cảnh sát cơ động, đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thể hiện quan điểm tán thành Quốc hội ban hành Luật Cảnh sát cơ động.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Lương Văn Hùng phát biểu thảo luận

Theo đại biểu Lương Văn Hùng, sau 07 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động(CSCĐ), Cảnh sát cơ động đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là triển khai đồng bộ các biện pháp, phương án, kế hoạch công tác, tổ chức lực lượng ra quân xử lý kịp thời, có hiệu quả các hoạt động gây phương hại đến an ninh trật tự, bạo loạn, biểu tình bất hợp pháp; trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm, đấu tranh triệt phá các chuyên án, các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, hội nghị, sự kiện chính trị quan trọng, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước. Lực lượng Cảnh sát cơ động cùng với các lực lượng khác đã bảo vệ thành công các sự kiện quan trọng của đất nước, các hội nghị quốc tế, cuộc gặp của các lãnh đạo cấp cao các nước tại Việt Nam, góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam an toàn, sự tin tưởng của bạn bè quốc tế, nâng tầm vị thế của Việt Nam. Song, với tính chất công việc thường trực đối diện với những rủi ro cao, đã không ít trường hợp mất mát đến tính mạng của chiến sĩ CSCĐ. Tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với Cảnh sát cơ động ngày càng nặng nề hơn và vì thế, cần thiết ban hành Luật CSCĐ để nâng cao vị trí cơ sở pháp lý, xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Đồng thời, đại biểu cũng tán thành quan điểm và đề nghị thực hiện xây dựng lực lượng CSCĐ hiện đại, tinh nhuệ để tương xứng với tên gọi, tính chất nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội; chủ động xây dựng lực lượng làm chỗ dựa vứng chắc ứng phó với các tình huống đặc biệt phức tạp xảy ra trong tương lai (như biểu tình, bạo loạn, tội phạm xuyên biên giới).

Đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung các điều luật quy định trách nhiệm của một số Bộ như: Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao …để các Bộ theo chức năng, nhiệm vụ quy định mối quan hệ công tác, ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành, chỉ huy lực lượng bảo đảm tính thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động của Cảnh sát cơ động.

Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động, đại biểu đề nghị thay cụm từ “phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác” bằng cụm từ “phương tiện, thiết bị” và chỉnh lý lại Khoản 3 Điều 10 như sau Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện và các thết bị trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc có nguy cơ đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động”, để bao quát các mối nguy cơ đối với mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động.

Cũng tại Điều 13, về Hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động, đại biểu Lương Văn Hùng đồng tình với Phương án 1: Luật quy định Hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết và quyết định về cơ cấu lực lượng của CSCĐ tùy thuộc yêu cầu thực tiễn và điều kiện cụ thể ở từng địa phương

Về sự phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ tại Điều 19, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo một khoản quy định cơ chế phối hợp với các lực lượng khác cũng có nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Cụ thể như: phối hợp với lực lượng biên phòng duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của Luật Biên phòng Việt Nam; phối hợp với các lực lượng thuộc quân đội trong trạng thái khẩn cấp về quốc phòng./.

Nguyễn Hùng