Đại biểu Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến chiều 27/10
Nhận định về tình hình hiện nay, đại biểu Lê Văn Dũng cho rằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nên việc trích nộp BHXH, BHYT cho người lao động chậm, để nợ đọng kéo dài. Bên cạnh đó, mức thu nhập của nhân dân còn thấp, không ổn định nên việc vận động người dân tham gia BHXH, BHYT còn gặp khó khăn; chi phí khám chữa bệnh BHYT vượt quỹ, vượt trần, vượt dự toán vẫn còn xảy ra, tình trạng gian lận, lạm dụng quỹ BHYT, lợi dụng thông tuyến để cạnh tranh thu dung bệnh nhân; chỉ định nhập viện, kéo dài ngày điều trị, chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật, thuốc,…quá mức cần thiết gây lãng phí và gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Từ thực trạng đó, đại biểu Lê Văn Dũng đưa ra một số kiến nghị đối với chính sách BHXH cũng như BHYT.
Về BHXH, thứ nhất, theo quy định hiện hành "Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn" (đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) và "người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện" chỉ được hưởng 2 chế độ: hưu trí và tử tuất. Do đó, đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị sửa đổi, bổ sung chính sách đóng và hưởng chế độ BHXH cho cán bộ không chuyên trách cấp xã và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 2 chế độ lên 5 chế độ, để những nhóm đối tượng này được hưởng đầy đủ các quyền lợi của chính sách bảo hiểm xã hội.
Thứ hai, điều kiện và hình thức hưởng chế độ tử tuất của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bắt buộc cần quy định giống nhau. Theo quy định hiện nay, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên thì khi chết thân nhân mới được hưởng trợ cấp mai táng và hưởng trợ cấp tuất một lần. Trong khi đó, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ quy định từ đủ 12 tháng trở lên và được trợ cấp tuất một lần và hằng tháng. Điều này là rất bất cập, chưa động viên người dân tự nguyện tham gia BHXH.
Thứ ba, đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm có hướng dẫn về thực hiện giải quyết chế độ BHXH cho người lao động trong trường hợp đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH do chủ sử dụng lao động bỏ trốn hoặc làm ăn không hiệu quả nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Bởi hiện nay, mới chỉ cho phép giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động đối với các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội đã phá sản; còn trường hợp chủ sử dụng lao động nợ và phá sản chưa có cơ sở để giải quyết chế độ.
Thứ tư, hiện nay các quy định của pháp luật chưa phân biệt rõ giữa "trốn đóng" và "chậm nộp" bảo hiểm xã hội nên các doanh nghiệp lợi dụng chay ỳ, trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội, làm gia tăng nợ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động nhưng chưa được xử lý. Do đó, đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Quốc hội, Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý, phân biệt những trường hợp nào là trốn đóng, trường hợp nào là chậm nộp, đồng thời có chế tài mạnh để xử lý nghiêm đối với các đơn vị sử dụng lao động nợ hoặc chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Về BHYT, đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian được hưởng chính sách BHYT từ 3 đến 5 năm đối với người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đã được xét ra khỏi vùng hoặc xã đạt chuẩn nông thôn mới, để khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Bởi thực tế, kể từ tháng 08/2021 đến nay, một số xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ nên người dân không còn được hưởng một số chính sách ưu đãi của nhà nước. Do đó, những người dân này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, chính sách BHYT quy định học sinh, sinh viên là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và được nhà nước hỗ trợ 30% mức phí. Trong khi đó, nếu tham gia mua BHYT theo hộ gia đình, từ người thứ 3, 4, 5 trở đi, mức phí giảm tương ứng là 30%, 40%, 50%, dẫn đến việc so sánh giữa mức phí đóng của học sinh, sinh viên với mức đóng theo hộ gia đình. Căn cứ vào thực trạng đó, đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 về hướng dẫn thi hành Luật BHYT theo hướng cho phép đối tượng học sinh, sinh viên được lựa chọn có thể tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình hoặc nâng mức hỗ trợ của nhà nước đối với mức phí BHYT lên 40%-50% cho học sinh, sinh viên.
Và cuối cùng, đại biểu Lê Văn Dũng có thông tin về việc Quảng Nam đã chi vượt quỹ và vượt dự toán khám chữa bệnh BHYT khoảng 400 tỷ đồng trong năm 2018 và 2019, nhưng đến nay vẫn chưa được Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam thông qua để thanh toán số tiền trên. Do đó đại biểu đề nghị BHXH Việt Nam sớm giải quyết nguồn kinh phí này cho tỉnh Quảng Nam theo đúng quy định./.