Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phát biểu thảo luận
Tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2020, đại biểu Đinh Công Sỹ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Sơn La cho rằng:
Thứ nhất, về tình hình chậm đóng vào quỹ BHXH còn cao, trong đó chậm đóng có cả trong khu vực nhà nước. Nhìn tổng thể năm 2020, chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng. Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo kịp thời các bộ, ngành, địa phương và cơ quan BHXH có giải pháp khá cụ thể để khắc phục tình trạng chậm, nợ nóng BHXH. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi. Báo cáo chưa chưa phân tích và chỉ ra nguyên nhân của việc này. Theo đại biểu, các cơ quan tham mưu Chính phủ cần nghiên cứu các giải pháp có tính lâu dài hơn bảo đảm thực thi pháp luật về BHXH được nghiêm minh: như việc phân định các nhóm doanh nghiệp, đơn vị chậm, nợ đóng BHXH: đối với các trường hợp chậm đóng do ảnh hưởng bởi các trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh,.... được hưởng các chính sách hỗ trợ hiện hành và được chậm đóng; còn đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, kéo dài thời gian chậm đóng, có hành vi trốn đóng cần áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính và sớm có kiến nghị giải pháp khắc phục việc khó xử lý hình sự khi có dấu hiệu tội phạm.
Về giải pháp lâu dài, đại biểu Đinh Công Sỹ kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo các ngành: thuế, kế hoạch và đầu tư tăng cường chia sẻ dữ liệu nhất là dữ liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, số lao động thực tế làm việc trong doanh nghiệp. Đặc biệt là ứng dụng các giải pháp về công nghệ để minh bạch hoá các hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật trong đó minh bạch về tài chính, thuế và về số người lao động. Qua đó, giúp các cơ quan BHXH xác định được chính xác số tiền phải thu, tránh thất thu. Đồng thời khắc phục được tình trạng báo cáo tài chính của đơn vị chưa sát đúng với thực trạng hoạt động của đơn vị để xem xét liệu có dấu hiệu của tội danh trốn đóng BHXH.
Thứ hai, liên quan đến vấn đề số người hưởng BHXH 1 lần còn lớn (trung bình hằng năm chiếm khoảng 40% so với người mới tham gia BHXH bắt buộc). Hệ lụy của việc nhận BHXH một lần đã được chỉ ra nhiều lần: trước nhất chính là quyền lợi về lâu dài của người tham gia BHXH khi mất sức lao động và với nhà nước là mất an toàn của Quỹ và gánh nặng cho nhà nước về an sinh xã hội trong vài chục năm sau này. Số lượng người hưởng BHXH một lần còn lớn trong năm qua, đại biểu cho rằng có không ít trường hợp người đóng BHXH “cực chẳng đã” do mất việc làm, gánh nặng cuộc sống nên mới nộp hồ sơ để nhận BHXH 1 lần. Chính phủ đã kịp thời có các chính sách hỗ trợ trong dịch bệnh, góp phần động viên người lao động tiếp tục tham gia BHXH. Tuy nhiên về lâu dài, cần có các giải pháp đồng bộ khác không chỉ là hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mà giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh phục hồi trong và sau dịch bệnh giữ chân người lao động mới là giải pháp lâu dài.
Thứ ba, về tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề theo chế độ BH thất nghiệp theo Luật Việc làm: Báo cáo của CP cho thấy tỷ lệ người được giới thiệu việc làm trên tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm còn thấp mới chỉ đạt 10,31% và năm trước đó 2019 cũng chỉ đạt 11,29%. Qua đó cho thấy hiệu quả của công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề không cao, còn có bất cập. Đề nghị Chính phủ nêu rõ nguyên nhân và các giải pháp cho thời gian tới. Đồng thời, báo cáo cũng chưa có dự báo về tình hình lao động, việc làm nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho giai đoạn từ cuối năm 2020 đến nay (đúng vào thời gian cao điểm của dịch bệnh, số người lao động mất việc làm, trở về địa phương tăng cao) theo đó, sẽ dẫn đến nguồn lực để tiếp nhận giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể sẽ tăng cao và khi doanh nghiệp dân ổn định sau dịch bệnh thì nguồn lực phục vụ tư vấn việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động quay trở lại thị trường lao động theo đó có thể sẽ tăng lên. Do vậy, tôi đề nghị Bộ Lao động thương binh và xã hội cần có đánh giá đầy đủ về vấn đề này.
Đại biểu cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội có thông tin với Quốc hội về công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mà các luật đã giao có liên quan đến BHXH và hoàn thiện pháp luật về BHXH đáp ứng yêu cầu hội nhập, nhất là trong thời gian tới đây Việt Nam sẽ ký kết các hiệp định song phương về BHXH, bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi đi lao động ở nước ngoài./.