ĐẠI BIỂU TRẦN THỊ HIỀN: PHÁT HUY VAI TRÒ TRỤ CỘT AN SINH XÃ HỘI TRONG THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

27/10/2021

Chiều 27/10, tham gia phiên thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, từ điểm cầu trực tuyến tỉnh Hà Nam, bà Trần Thị Hiền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã có ý kiến về nội dung này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trần Thị Hiền phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến chiều 27/10

Từ góc độ là Đại biểu Quốc hội và cũng là người quản lý, điều hành doanh nghiệp, đại biểu Trần Thị Hiền đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đưa vào Chương trình kỳ họp việc thảo luận Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và tình hình quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. Đây cũng là dịp rất tốt để người dân, xã hội hiểu rõ hơn về vai trò của bảo hiểm xã hội - một trong những trụ cột quan trọng của an sinh xã hội.

Cộng đồng doanh nghiệp và người lao động phấn khởi, đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua đã tháo gỡ khó khăn, đưa ra nhiều quyết sách kịp thời, chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trong đó có những chính sách liên quan trực tiếp đến bảo hiểm xã hội như giảm mức đóng, giãn thời gian đóng một số chế độ bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp..., hỗ trợ tiền mặt cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020...

Quá trình thực hiện chế độ, chính sách và vận hành, quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội đã cho thấy mặc dù còn những hạn chế nhất định, song đã tiếp tục đạt được những kết quả tích cực: từ khâu tổ chức thực hiện chính sách, các chế độ, phát triển và quản lý đối tượng, quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn, cân đối thu - chi và nhất là tính độc lập của Quỹ, cho đến việc đầu tư, phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đến nay 27/27 thủ tục hành chính đã ở mức độ 4 về cung cấp dịch vụ công...

Để góp phần cho việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó có Quỹ bảo hiểm xã hội, đại biểu Trần Thị Hiền đề xuất thêm 3 ý kiến để Quốc hội và Chính phủ quan tâm, hoàn thiện hơn trong thời gian tới:

Thứ nhất: Để triển khai thực hiện chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội thì chúng ta không chỉ thực hiện riêng Luật Bảo hiểm xã hội còn phải thực hiện các quy định có liên quan của Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; Luật Việc làm về chế độ bảo hiểm thất nghiệp và các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động. Theo Báo cáo của Chính phủ ngoài các luật, bộ luật nêu trên thì còn phải thực hiện theo quy định của hơn 60 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện (từ nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư của Bộ). Như vậy, vẫn còn nhiều văn bản hướng dẫn và đối với người sử dụng lao động và nhất là người lao động cần một hệ thống văn bản làm sao gọn hơn, dễ tìm hơn thay vì nhiều loại văn bản như hiện nay. Thực tế cũng cho thấy để hoàn thiện được đầy đủ việc tham gia bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động còn phải tuân thủ và thực hiện nhiều các quy định pháp luật có liên quan khác như các Luật về thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán… và cũng khá nhiều văn bản hướng dẫn.

Thứ 2: Đối với doanh nghiệp và người sử dụng lao động chân chính, phần lớn tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật để không chỉ tồn tại lâu dài, đóng góp sức mình vào phát triển kinh tế - xã hội, cống hiến để xây dựng Tổ quốc, vì vậy họ luôn vì người lao động và coi người lao động là tài sản của doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, việc quy định làm sao để tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động có thể giảm thiểu những chi phí, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay là hết sức cần thiết.

Qua báo cáo của Chính phủ cho thấy các Quỹ có tính chất ngắn hạn đều có kết dư và bảo đảm về cân đối (Quỹ ốm đau và thai sản: năm 2019 kết dư 12,97 nghìn tỷ đồng, năm 2020 kết dư 13,47 nghìn tỷ đồng; Quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp kết dư năm 2019 là 47,87 nghìn tỷ đồng và năm 2020 là 54 nghìn tỷ đồng; tương tự, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư 2 năm tương ứng là 85,5 nghìn tỷ đồng và 90,59 nghìn tỷ đồng). Vì vậy, đề nghị cần sửa đổi để quy định linh hoạt hơn nhằm giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ ốm đau và thai sản cho cả người sử dụng lao động và người lao động, ít nhất cũng theo hướng tương tự như quy định về Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Điều 44 của Luật An toàn, vệ sinh lao động nhằm giúp Chính phủ linh hoạt trong quá trình điều hành, thuận lợi điều chỉnh mức đóng cho cả doanh nghiệp và người lao động, vẫn bảo đảm thực hiện các chế độ, bảo đảm cân bằng quỹ - điều này hỗ trợ thiết thực cho các bên giảm chi phí, tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp hồi phục và sức cạnh tranh doanh nghiệp. Điều này càng thấy rõ và có ý nghĩa trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 hiện nay.

Thứ 3: Luật Bảo hiểm xã hội; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Bộ luật Lao động đã có những quy định nhằm bảo vệ tốt hơn đối với người lao động không có quan hệ lao động, người làm việc ở khu vực phi chính thức, khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, song theo báo cáo của Chỉnh phủ cho thấy việc tổ chức thực hiện vẫn còn rất hạn chế. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan quan tâm để thúc đẩy, có giải pháp cụ thể hơn nữa, nhất là khẩn trương trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về cải cách bảo hiểm xã hội, đáp ứng với tình hình mới, phát huy hơn nữa vai trò của bảo hiểm xã hội là trụ cột của an sinh xã hội./.