Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến phát biểu thảo luận tại phiên họp sáng 27/10
Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, đối với dự thảo các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế, thể chế của Việt Nam có sự phân công, phân cấp các quy định về kinh tế tạo ra những ràng buộc và gây khó khăn cho nhiều địa phương phát huy đặc thù và hạn chế một số hành động của địa phương trong việc ban hành chủ trương, chính sách. Do vậy, đại biểu nhấn mạnh cần thiết phải thông qua cơ chế đặc thù cho một số địa phương. Đại biểu nhấn mạnh, ban hành nghị quyết nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại các Nghị quyết số 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An, Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng, Nghị quyết số 54 về phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa, tạo điều kiện để huy động nguồn lực, tăng cường khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra.
Liên quan tới quá trình xây dựng nghị quyết, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, Dự thảo nghị quyết và hồ sơ liên quan đến dự thảo nghị quyết được chuẩn bị công phu, đầy đủ theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với thẩm quyền ban hành, đại biểu Tiến phân tích, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 15 Luật Ban hành văn bản phạm pháp luật, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố Nghệ An, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Thanh Hóa là đúng thẩm quyền.
Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đồng tình với các nội dung, về tên Dự thảo nghị quyết đã phù hợp với mục tiêu, nội dung nghị quyết của Bộ Chính trị; Bố cục dự thảo Nghị quyết gồm 8 điều đã ngắn gọn… Liên quan tới phạm vi điều chỉnh, đại biểu cơ bản đồng tình với phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 như dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị việc sắp xếp cơ chế, chính sách đặc thù nên theo thứ tự như các điều của dự thảo Nghị quyết.
Về thảo luận các chính sách đặc thù trong các nghị quyết từ Điều 3 đến Điều 6, đại biểu nhất trí với dự thảo về các chính sách đặc thù cho mỗi tỉnh, thành phố. Các chính sách đặc thù này phù hợp với tinh thần, nghị quyết của Bộ Chính trị, bảo đảm tương quan với các chính sách đang áp dụng tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và có tính vượt trội so với quy định pháp luật hiện hành.
Liên quan tới Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tại Điều 5 quy định quản lý tài chính ngân sách nhà nước có quy định cụ thể và ngân sách nhà nước trung ương không hụt thu. Tuy nhiên theo đại biểu, quy định như vậy bị giới hạn và chưa ưu đãi bằng chính sách quy định tại Nghị định số 89 của Chính phủ mà thành phố Hải Phòng đang được hưởng, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét thêm quy định này./.