ĐẠI BIỂU HUỲNH THỊ PHÚC: TỪ VIỆC THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM SẼ LAN TỎA CHÍNH SÁCH ĐẾN CÁC ĐỊA PHƯƠNG KHÁC

27/10/2021

Tại Phiên thảo luận trực tuyến sáng 27/10, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất việc Quốc hội xem xét cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế cho 4 địa phương tại kỳ họp lần này, để từ việc thí điểm một số khuôn khổ chính sách mới nhằm tạo sự lan tỏa cho các địa phương khác, cho cả vùng, vì mục tiêu chung cho sự phát triển của quốc gia.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc bày tỏ thống nhất việc Quốc hội xem xét cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế cho 4 địa phương tại kỳ họp lần này, để từ việc thí điểm một số khuôn khổ chính sách mới nhằm tạo sự lan tỏa cho các địa phương khác, cho cả vùng, vì mục tiêu chung cho sự phát triển của quốc gia. Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, tỉnh Thừa Thiên Huế, không chỉ tạo điều kiện cho tỉnh này rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác mà quan trọng hơn là giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát triển di sản văn hóa dân tộc.

Qua nghiên cứu lịch sử, văn hóa và phát triển của Thừa Thiên Huế cho thấy địa phương này từng là thủ phủ, là kinh đô của nhiều triều đại. Từng là một trong 3 trung tâm chính trị, văn hóa lớn của cả nước Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Có vị trí chiến lược quan trọng nằm ở trung lộ của đất nước với nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, liên kết vùng và tạo động lực phát triển cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Từ những đặc thù rõ nét và di sản văn hóa với nhiều di sản văn hóa thế giới, di sản phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Và trong quá trình xây dựng, phát triển đô thị Huế được định hướng là di sản văn hóa sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường. Được biết từ năm 1996 tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Chính phủ trình Quốc hội đề nghị công nhận là thành phố trực thuộc trung ương, nhưng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng bởi vì vẫn còn một số mục tiêu chưa hoàn thành, chưa giải quyết trọn vẹn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển giữa bảo tồn di sản với bảo vệ môi trường sinh thái. Địa phương này cũng gặp rất nhiều khó khăn đối với công tác thu hút đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy di sản văn hóa.

Với quan điểm bảo vệ di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm thuộc về địa phương có di sản tọa lạc tồn tại mà còn là trách nhiệm chung của cả nước, của nhiều thế hệ đối với di sản vô giá của đất nước. Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước hết là thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành phố trực thuộc trung ương trên nền bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa; Phát huy nội lực cho phát triển, đảm bảo cân đối hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; Khai thác lợi thế vùng đất, di sản văn hóa nhằm tạo bước phát triển đột phá trong thời gian tới để tương xứng với tiềm năng thế mạnh của một thành phố đặc sản, đặc thù về di sản, có bề dày về văn hóa, thành phố xanh thông minh.

Cơ bản thống nhất với dự thảo 3 nhóm cơ chế đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế được trình Quốc hội xem xét và quyết định tại kỳ họp này gồm nhóm về cơ chế để bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích di sản của quốc gia và được thế giới công nhận theo cam kết với Tổ chức UNESCO, đại biểu cũng đồng ý Quốc hội cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng cơ chế được giữ lại 100% nguồn thu từ phí tham quan di tích và Quỹ bảo tồn di sản như dự thảo Nghị quyết đã trình bày.

Đối với nhóm thứ hai về cơ chế quản lý tài chính, ngân sách. Đây là nhóm cơ chế đặc thù, có tính chất lâu dài, bền vững nhằm tạo điều kiện để Huế phát triển ổn định, cân đối hài hòa dựa trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cũng là tạo động lực đòn bảy để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với nhóm thứ ba về sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất, đại biểu cũng đồng ý với dự thảo đã được trình bày, tạo điều kiện cho Huế được hưởng 50% nguồn thu từ sắp xếp, quản lý các cơ sở nhà đất. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với các quy định có liên quan, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện có hiệu quả các cơ chế đặc thù, đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo cần cân nhắc xem xét.

Đối với dự thảo nghị định Chính phủ liên quan về việc thành lập và hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế, nội dung về nguồn hỗ trợ đóng góp từ ngân sách Nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo tính đồng bộ với các luật có liên quan. Bởi vì, tại khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước quy định: "Không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác". Nếu Quốc hội đồng ý thông qua nội dung về nguồn hỗ trợ đóng góp từ ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đảm bảo tính đồng bộ thì cũng đề nghị Quốc hội quan tâm, có giải pháp để khi nghị quyết được thông qua thì địa phương này có thể thực hiện hiệu quả các cơ chế mà Quốc hội đã thông qua trong nghị quyết. Đồng thời, đề nghị cân nhắc, bổ sung thêm, làm rõ nhiệm vụ chi của Quỹ bảo tồn di sản Huế khi thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo và phục hồi di sản văn hóa Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh không sử dụng ngân sách Nhà nước./.