ĐBQH THẠCH PHƯỚC BÌNH: RÀ SOÁT BỘ MÁY ĐỂ PHÁT TRIỂN TƯƠNG XỨNG VỚI LỢI THẾ, TIỀM NĂNG

27/10/2021

Sáng ngày 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. Từ điểm cầu tỉnh Trà Vinh, đại biểu Thạch Phước Bình cho ý kiến về nội dung này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận

Tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với sự cần thiết của việc ban hành 4 nghị quyết về chính sách đặc thù phát triển kinh tế xã hội ở 4 địa phương theo Tờ trình của Chính phủ, nhằm phát huy vai trò, lợi thế của các cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời cụ thể hóa chủ trương của Trung ương. Đại biểu Thạch Phước Bình nêu quan điểm, đối với thành phố Hải Phòng, đại biểu đồng tình 7 nhóm chính sách đặc thù được nêu trong Nghị quyết. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc các chính sách đề xuất về tài chính, ngân sách tiền lương cần tính toán thêm để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến cân đối và vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp, không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, cần rà soát để quy định những chính sách thí điểm, không quy định lại những chính sách đã áp dụng cho phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.

Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tham gia phiên thảo luận trực tuyến ngày 27/10

Liên quan tới khu thương mại tự do, đại biểu Thạch Phước Bình phân tích, đây là mô hình mới hoàn toàn của Việt Nam trong khi luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vẫn chưa được ban hành với quy mô, tính chất hoạt động của khu không chỉ chính sách kinh tế đặc thù riêng mà dự kiến thiết chế pháp luật mới so với hiện hành liên quan đến mọi mặt của khu, từ tổ chức chính quyền địa phương, đầu tư xây dựng dân sinh, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng. Vì vậy, cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để Bộ Chính trị xem xét, chấp thuận về chủ trương làm cơ sở đề xuất thí điểm. Hơn nữa, dự kiến quy định những chính sách pháp luật mới tại khu này khác biệt với luật hiện hành. Cho nên, đại biểu cho rằng việc quy định thẩm quyền giao cho Chính phủ quy định các chính sách là chưa đảm bảo về mặt thẩm quyền.

Ngoài ra dự thảo nghị quyết này đã bao gồm các chính sách thí điểm khác so với hiện hành áp dụng cho thành phố Hải Phòng mà tiếp tục quy định những chính sách đặc thù hơn, áp dụng cho một khu vực trong thành phố Hải Phòng sẽ dẫn đến sự chồng lấn chính sách đặc thù, đặc biệt cần tính toán thêm để hài hòa lợi ích giữa địa phương với trung ương, địa phương này với địa phương khác. Vì giữa các tỉnh, thành phố có sự khác biệt chênh lệch về thẩm quyền dẫn tới tập trung đầu tư ở khu vực có điều kiện thuận lợi hơn, có thể tạo ra sự phát triển nóng, di dân, tiềm ẩn nguy cơ và đặt ra các vấn đề về an ninh trật tự an toàn xã hội.

Đối với tỉnh Nghệ An, đại biểu Thạch Phước Bình đồng tình với 6 chính sách đặc thù phát triển của tỉnh Nghệ An, song đề nghị cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu tổng thể toàn diện, bao gồm cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy biên chế ưu đãi, đầu tư, thủ tục hành chính để phát triển Nghệ An. Đặc biệt, gắn với điều kiện thực tại bối cảnh sự phát triển của các địa phương xung quanh. Đánh giá tác động không phải chỉ liên quan đến mặt kinh tế mà phải bao gồm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đặt ra nhiệm vụ phát triển trong tình hình mới. Đối với chính sách bổ sung có mục tiêu cho Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán, đại biểu đề nghị cần xem xét, cân nhắc đánh giá tác động tới ngân sách Trung ương, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, đại biểu cơ bản đồng tình với 8 nhóm chính sách được nêu trong Nghị quyết. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nên rà soát về tổ chức, biên chế, thủ tục hành chính, chính sách đặc thù của một tỉnh hội tụ ba vùng địa lý để nghiên cứu có đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định chính sách phù hợp hơn. Ngoài ra, cần xem xét, đánh giá tác động mọi mặt của chính sách bao gồm những tác động về an ninh trật tự, an toàn xã hội vì các chính sách về đất đai thường tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Chính sách về lâm nghiệp có thể ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nghiên cứu bổ sung quy định bảo đảm việc phối hợp giám sát của các bộ, ngành khi triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Còn đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, đại biểu cơ bản đồng tình 4 chính sách đặc thù trong Nghị quyết đã nêu. Trong đó quan tâm đến việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cần quy định cụ thể hơn về mô hình, tính chất cơ chế sử dụng của Quỹ bảo tồn di sản Huế để rõ tính độc lập về nguồn lực, khả năng huy động và tính trùng lặp với các nhiệm vụ chi từ nguồn kinh phí được để lại và nguồn từ ngân sách Trung ương và phù hợp quy định của pháp luật có liên quan mà một số đại biểu đã nêu, nhất là quy định này chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để ưu đãi đầu tư thủ tục hành chính để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Hà Lan - Phạm Cường - Thùy Dương