ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ YẾN NHI: CẦN ĐẢM BẢO TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG

27/10/2021

Chiều 26/10, tham gia phiên thảo luận trực tuyến về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ từ điểm cầu tỉnh Bến Tre, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi đã có nhiều ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre tham gia thảo luận trực tuyến

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đã tham gia một số ý kiến:

Thứ nhất, về tên gọi của dự thảo luật: Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua vào năm 2005 có hiệu lực từ ngày 01/7/2006, đến nay đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 và vào năm 2019. Và hiện nay theo dự thảo luật lần này sửa đổi, bổ sung 92 điều trên tổng số 232 điều chiếm 40% số điều luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị nên có sự rà soát, sửa đổi một cách toàn diện tổng thể Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi).

Thứ hai, về tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng: Tại khoản 34, Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 75 của luật hiện hành, theo đó quy định tùy từng trường hợp mà một số hoặc tất cả các tiêu chí sau đây có thể được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa cụ thể, dẫn đến áp dụng một cách tùy tiện trong quá trình thực hiện. Việc đánh giá một nhãn hiệu nổi tiếng và từ đó có thể không chính xác hoặc không đảm bảo sự công bằng. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nên phân ra hai nhóm tiêu chí: một là nhóm tiêu chí bắt buộc và hai nhóm tiêu chí tham khảo để dễ thực hiện. Đồng thời, tránh việc đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng tùy tiện.

Thứ ba, về quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước: quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 36 và khoản 37 của Điều 1 dự thảo luật. Về nội dung này, dự thảo luật đưa ra 2 phương án xin ý kiến đại biểu. Đại biểu thống nhất chọn phương án 1, bởi vì quy định theo phương án này sẽ tạo động lực khuyến khích các chủ thể chủ trì đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy khai thác và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung vào phương án cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, quyền tác giả và quyền liên quan, khắc phục sự không thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Thứ tư, về quyền đối với giống cây trồng: quy định tại khoản 84, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 190 của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, bổ sung thêm hành vi không bị coi là xâm phạm quyền đối với giống cây trồng đã được bảo hộ, đó là hộ sản xuất cá thể sử dụng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng được bảo hộ để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất mình có quyền sử dụng, trong giới hạn hợp lý nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu đối với giống cây trồng nhân giống từ hạt. Đại biểu đề nghị cần xem xét, điều chỉnh quy định sao cho bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ sở hữu giống cây trồng và người sử dụng giống cây trồng, đồng thời quy định sao cho dễ thực hiện, dễ xử lý nếu vi phạm. Quy định như trong dự thảo luật sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, bởi hiểu như thế nào là trong giới hạn hợp lý thì không có cơ sở xác định được. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về quyền sở hữu đối với giống cây trồng được nhân giống bằng các phương pháp vô tính, như giâm, chiết cành đang được áp dụng phổ biến trong sản xuất giống cây trồng hiện nay ở nhiều địa phương./.

Hoàng Nhân