ĐẠI BIỂU TRẦN THỊ THU HẰNG: CƠ CHẾ ĐẶC THÙ - BIẾN TIỀM NĂNG THÀNH KHẢ NĂNG CHO ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

27/10/2021

Sáng 27/10, thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội “về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế. Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông phát biểu thảo luận

Theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế đều có những thế mạnh của mình nếu được trao chính sách cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện cho các tỉnh thành phố này phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, biến tiềm năng thành khả năng cho đầu tư phát triển và sẽ trở thành những cực tăng trưởng mới, đủ mạnh góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế vùng và quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay trong 4 địa phương thì chỉ có Hải Phòng là tự cân đối được thu chi ngân sách và có điều tiết về Trung ương, vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ cao hơn cho 3 địa phương còn lại thì mới đáp ứng được yêu cầu mục tiêu phát triển đặt ra đối với các địa phương.

Cũng theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, chính sách để lại ngân sách cho tỉnh Thừa Thiên Huế khoản tiền thu được từ phí tham quan di tích nhằm thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn cần bổ sung quy định rõ khoản này không dùng để xác định tỷ lệ % phân chia và xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

Về chính sách phân cấp, ủy quyền chuyển mục đích sử dụng đất rừng của Nghệ An, Thanh Hóa gồm: rừng đặc dụng; rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường; rừng sản xuất. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định các nguyên tắc trong việc chuyển mục đích của đất rừng quy định tại Luật Lâm nghiệp để đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, mang lại hiệu quả thiết thực, không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống người dân. Bên cạnh đó, chính sách phân cấp thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và thành phố Hải Phòng cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần bổ sung quy định để bảo đảm các nguyên tắc, căn cứ điều chỉnh quy hoạch và phải bảo đảm mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển khi điều chỉnh đã được quy định trong Luật Quy hoạch.

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cũng mong muốn trong thời gian tới, để Tây Nguyên đuổi kịp với các tỉnh thành phố khác trong cả nước cũng cần có một cơ chế đặc thù đủ mạnh để xây dựng và phát triển. Đặc biệt vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông, kết nối nội vùng cũng như kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm xung quanh Tây Nguyên và khu vực tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam./.

Lệ Quyên