ĐẠI BIỂU HUỲNH THỊ ÁNH SƯƠNG: CẦN PHÂN NHÓM CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ MỘT CÁCH RÕ RÀNG

27/10/2021

Trong phiên thảo luận trực tuyến sáng 27/10, Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc phân nhóm cơ chế, chính sách đặc thù càng rõ ràng, sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng lộ trình thực hiện và việc tổ chức tổng kết, đánh giá.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương phát biểu thảo luận

Về phạm vi điều chỉnh và xác định nhóm chính sách, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ, cơ quan thẩm tra nghiên cứu sắp xếp lại các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm, như: Nhóm Cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính - ngân sách để tạo động lực phát triển - tăng cường nguồn ngân sách, đầu tư phát triển địa phương, như đầu tư; phân bổ tài chính - ngân sách; tỷ lệ giữ lại các khoản phí, lệ phí; nguồn thu từ tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; mức dư nợ vay của ngân sách tỉnh; tỷ lệ vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương vay. Nhóm Cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước, như phân cấp quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại, đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp; nâng cao Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Nhóm Cơ chế, chế chính sách đặc thù khác, đặc trưng riêng, gắn với đặc điểm; vị trí địa lý; định hướng phát triển và nhiệm vụ đặc biệt của từng địa phương; giúp địa phương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, như: Thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế; cho phép ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu bảo tồn di sản lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đại biểu cho rằng, việc phân nhóm cơ chế, chính sách đặc thù càng rõ ràng, sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng lộ trình thực hiện và việc tổ chức tổng kết, đánh giá. Và về lâu dài Chính phủ cũng cần thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển ngành mang tính chiến lược, như: phát triển các trung tâm công nghệ cao; phát triển kinh tế số; phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm (như: Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long) để tạo động lực; phát triển địa bàn trọng yếu; đầu tư phát triển miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững và tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn.

Trên cơ sở đó thí điểm, hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm, báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh (địa phương), Vùng kinh tế, Ngành chiến lược trong giai đoạn tiếp theo.

Đại biểu cũng bày tỏ quan tâm đến nội dung Thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trong dự thảo Nghị quyết. Dẫn chiếu quy định của Luật Đất đai, tại Điều 58 về Điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì: Khi chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc, giải trình rõ việc cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Nghệ An, Thanh Hóa) mở rộng hạng mức quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng thuộc thẩm quyền của từ dưới 20 ha lên quy mô dưới 50 ha và việc quy định thực hiện vấn đề này “theo trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật đất đai”. Đồng thời, cần giải trình rõ về quy trình thực hiện các trình tự, thủ tục và các điều kiện liên quan đến thẩm định, đánh giá tác động môi trường; bảo đảm sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan, nhất là tại các địa bàn xung yếu, vùng giáp ranh giữa các tỉnh khi mở rộng thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng lên đến trên 50 ha. Cuối cùng là cần bổ sung thêm các quy định về nguyên tắc, điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất phòng hộ, đất rừng đặc dụng trong Nghị quyết nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất trong trong triển khai thực hiện; đảm bảo các mục tiêu quốc gia về diện tích che phủ rừng, bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh và nhất là những tác động đến thiên tai./.

Nguyễn Hùng