Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tham gia ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế
Đánh giá cao việc Quốc hội đưa ra Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, đây là giải pháp nhằm tạo cơ chế tạo hành lang pháp lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.
Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã triển khai tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Lần này dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế chính sách. Qua đây, đại biểu đề nghị Quốc hội cần tiếp tục xem xét, bổ sung một số vấn đề cụ thể như sau:
Thứ nhất, đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc: Độ che phủ thí điểm chính sách đặc thù phát triển tại các địa phương trên cả nước trong tương lai sẽ như thế nào? Hiện nay, cả nước có 02 đô thị đặc biệt (thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh); 03 đô thị trực thuộc trung ương (thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ); kỳ họp này Quốc hội xem xét ban hành cơ chế đặc thù cho thành phố Hải Phòng, đại biểu đề nghị Quốc hội triển khai cả với thành phố Cần Thơ để bảo đảm tính đồng bộ.
Thứ hai, cả nước có nhóm 19 tỉnh có thành phố được xếp vào đô thị loại I thuộc tỉnh, nếu đã có cơ chế đặc thù cho 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế thì đại biểu đề nghị cần có giải pháp, xem xét cơ chế, chính sách cho phù hợp đối với 16 tỉnh còn lại.
Thứ ba, theo sự phân loại về tiêu chí điều tiết ngân sách, tính đến quý I năm 2021, có 16 tỉnh có sự điều tiết, cân đối ngân sách về Trung ương, trong đó có các thành phố trực thuộc Trung ương, một số đô thị loại I và đô thị loại II. Do đó, đại biểu đề xuất cơ chế, chính sách cho nhóm các tỉnh tự cân đối ngân sách và tự điều tiết ngân sách cho Trung ương.
Thứ tư, đại biểu đề xuất quan tâm đến các tỉnh có địa bàn mà dự kiến xây dựng các đặc khu hành chính kinh tế. Đây là các địa phương có tiềm năng, căn cứ, cơ sở khoa học để phát triển khu vực và cả nước trong thời gian qua, như: Quảng Ninh có thành phố Hạ Long, tỉnh Khánh Hòa có Vân Phong, tỉnh Kiên Giang có thành phố Phú Quốc,… cần có sự tính toán cụ thể để thúc đẩy phát triển bền vững các địa phương này.
Thứ năm, đối với nhóm địa phương có quyết tâm chính trị cao, đã có Nghị quyết của Đảng, của chính quyền địa phương trong giai đoạn 2021-2025 và được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương định hướng, xem xét, thẩm tra; đó là những địa phương phấn đấu đến năm 2025 tự cân đối ngân sách và định hướng năm 2030 sẽ điều tiết ngân sách về Trung ương. Đây là những địa phương rất cần cơ chế, chính sách đặc thù; vì vậy, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có sự quan tâm đến các địa phương này.
Ngoài ra, theo đại biểu, để đảm bảo tính ổn định của Nghị quyết trong quá trình thực hiện, đề nghị có cân nhắc có điều khoản chuyển tiếp để thi hành cho chặt chẽ, nhất là lưu ý vấn đề khi nghị quyết này đang thực hiện lại có sự thay đổi bởi một văn bản pháp luật khác như: chính sách đất đai, chính sách tiền lương, chính sách an sinh xã hội…có tính pháp lý cao hơn. Từ đó, nhằm mục tiêu đảm bảo ổn định phát triển cho các địa phương, tránh chồng chéo giữa các văn bản pháp lý./.