ĐBQH ĐẶNG XUÂN PHƯƠNG: KIỂM DUYỆT PHIM CẦN SỰ KẾT HỢP CHẶT CHẼ GIỮA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CƠ SỞ PHỔ BIẾN PHIM

27/10/2021

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, cho rằng việc kiểm duyệt phim cần có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cơ sở phổ biến phim...

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Dự thảo Luật sửa đổi phù hợp với 04 chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009. Sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập.


Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề cập về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, một số quy định của Luật Điện ảnh không còn phù hợp hoặc đã bị bãi bỏ hoặc được quy định tại luật chuyên ngành khác; một số quy định của Luật Điện ảnh không thể hiện được đặc thù của điện ảnh nên không khả thi như: Luật Điện ảnh chưa quy định về mô hình và lĩnh vực hoạt động cùng nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả; Quy định cấp phép tổ chức chiếu giới thiệu phim Việt Nam tại nước ngoài; quy định đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài;...

Ngoài ra, một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật Điện ảnh như: Công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; Quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; Quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; Cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam;…

Từ thực tế nêu trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật điện ảnh là cần thiết nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và về điện ảnh nói riêng. Đồng thời, khắc phục những bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành; bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành của Việt Nam và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, cho rằng Luật Điện ảnh năm 2006 (được ban hành cách đây 15 năm), nếu phân tích kỹ toàn bộ cấu trúc của Luật thì lại được thiết kế trên một nền tảng tư duy hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước các cơ chế như: Nhà nước đặt hàng, tài trợ sản xuất phim, phổ biến phim, tổ chức các hoạt động liên quan đến phim là chủ yếu. Cùng với đó là cơ chế kiểm duyệt nội dung theo nguyên tắc tiền kiểm. Ngay cả những sửa đổi của Luật vào năm 2009 cũng rất ít, như về cơ chế tài chính thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, nhưng đến nay Quỹ này vẫn chưa đi vào hoạt động được (do chưa xác định được mô hình tổ chức, chưa xác định được nguồn thu ổn định, lâu dài).

Sau khi nghiên cứu Hồ sơ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) theo Tờ trình số 335/TTr-CP ngày23/9/2021 của Chính phủ và Báo cáo số 186/BCUBVHGD15 ngày 30/9/2021 của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục thẩm tra dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh năm 2006 và việc trình Quốc hội xem xét dự án Luật tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Các nội dung dự án Luật do Chính phủ chuẩn bị cũng như Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật đều rất công phu, kỹ lưỡng, cho thấy tinh thần trách nhiệm rất cao của cả Ban soạn thảo và của cơ quan thẩm tra dự án Luật.


Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Để tránh tình trạng Luật chỉ quy định những chính sách mang tính nguyên tắc, chung chung, khó có khả năng áp dụng một cách hiệu quả trên thực tế, đại biểu Đặng Xuân Phương cho rằng, cần làm rõ quan điểm thiết kế về chính sách trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) như sau:

Thứ nhất: Tại Chương I (những quy định chung) chỉ nên quy định một điều khái quát về chính sách của Nhà nước về điện ảnh, trong đó có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tôn vinh hướng tới phát triển các phương diện: nghệ thuật điện ảnh, kinh tế điện ảnh bên cạnh những chính sách nhằm kiểm soát, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, phù hợp với yêu cầu xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, với định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Với cách tiếp cận này, kể cả việc quy định các biện pháp hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm cũng là sự thể hiện của chính sách. Do đó, việc thiết kế các quy định thể hiện các chính sách cụ thể nên gắn với các Chương quy định về sản xuất, phát hành, phổ biến, quảng bá và xúc tiến điện ảnh. Theo đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương, trên thực tế, một số quy định mang tính chất chính sách cụ thể trong dự án Luật cũng đã được thể hiện rải rác tại các chương khác nhau của Luật ngoài Điều 5 (chính sách nhà nước về phát triển Điện ảnh) tuy tên của Điều trong Luật không thể hiện rõ chính sách về vấn đề chuyên môn cụ thể (ví dụ các Điều 6, 7, 9, 10, 20 24 ).

Trong hệ thống các chính sách của Nhà nước về điện ảnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương đề nghị cần quan tâm luật hóa các chính sách thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực điện ảnh đang được thực hiện mà thực tế chứng minh đã mang lại nhiều kết quả tốt. Bên cạnh đó, cần tham khảo kinh nghiệm các nước (như Thái Lan) trong việc khai thác, tận dụng thế mạnh của việc hợp tác sản xuất phim với nước ngoài để nâng cao trình độ nhân lực và năng lực công nghệ của nền điện ảnh nước ta. Ngoài ra, cần có những ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh đầu tư hoặc được Nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ công ích về phát hành phim, phổ biến cho các đối tượng chính sách như phục vụ thanh, thiếu niên, công nhân, dân nghèo thành thị... Ví dụ, có thể tham khảo kinh nghiệm của một số nước như Hàn Quốc về một rạp chiếu phim nếu dành đủ bao nhiều giờ chiếu phim trong năm để phục vụ các đối tượng chính sách thì sẽ được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác về cho thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ...

Thứ hai: Đối với việc lựa chọn một trong hai phương án về hình thức sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (tại Điều 15), đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương nhất trí với ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nên lựa chọn phương án 2 (giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu). Bởi vì, xét cho cùng, việc thực hiện đấu thầu cũng không ảnh hưởng gì, vẫn có cơ chế chỉ định thầu trong các trường hợp đặc thù mà lĩnh vực điện ảnh là một.

Thứ ba: Về phổ biến phim, tại Điều 22 về lựa chọn phương án phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương nhất trí quan điểm của cơ quan thẩm tra là về cơ bản, các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng chủ động thực hiện tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim và chịu trách nhiệm về kết quả phân loại phim là chủ yếu (phương pháp này được quen gọi là hậu kiểm). Tuy nhiên, đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn đến chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, đối ngoại và trong điều kiện có thể thực hiện được thì nghiên cứu có hình thức cấp phép phân loại phim.

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cơ sở phổ biến phim

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương, trên thế giới, để thực hiện kiểm duyệt phim được phổ biến trên không gian mạng, hiện nay có 02 cách. Theo đó, cách thứ nhất là tiền kiểm duyệt  phim.  Hiện nay, chỉ có Trung Quốc thực hiện được vấn đề này vì có mạng riêng và có Bộ quy tắc hướng dẫn truyền phát tín hiệu kiểm soát toàn bộ các nội dung thông tin nghe nhìn trên mạng. Tất cả các website có trên 600 thành viên sẽ bị cấm đăng tải các hình ảnh trên mạng nếu không chấp hành các quy định của Bộ quy tắc này.

Cách thứ 02 là hậu kiểm duyệt phim nhưng trong quá trình hậu kiểm cũng áp dụng 02 phương pháp gồm: Một là cài đặt các thuật Toán để lọc, đây là phương pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (Australia, New Zeland mới đưa vào áp dụng).

Hai là, con người trực tiếp kiểm duyệt phim. Để thực hiện được điều này thì không phải cơ quan quản lý Nhà nước đứng ra kiểm duyệt toàn bộ mà có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cơ sở phổ biến phim tự kiểm duyệt. Ví dụ, Hội đồng phim Hàn Quốc đã đứng ra tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho nhân sự của các cơ sở phổ biến phim thực hiện tự kiểm duyệt. Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm này. Còn phương pháp áp dụng AI cũng rất hiệu quả nhưng cần có thêm thời gian hoàn thiện và đầu tư cho phần mềm kiểm duyệt này.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Điều 43), đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương bày tỏ sự băn khoăn về việc có nên quy định trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) hay không. Nếu không quy định thì thực sự cũng rất khó khăn cho ngành Điện ảnh vì ngành này đòi hỏi phải có sự đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các nhà làm phim. Theo kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia cho thấy, họ đều có các Chương trình mục tiêu quốc gia cho đẩy mạnh sản xuất phim, video với nguồn đầu tư rất lớn và đây được coi là một cách để quảng bá toàn diện văn hoá ra thế giới. Ở nước ta, nếu trước mắt chưa thiết kế được các chương trình mục tiêu kiểu này thì vẫn nên đưa vào quy định trong Luật Điện ảnh (sửa đổi)./.

Bích Lan