Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phát biểu tại Phiên họp Ảnh: Đình Nam
Giao 4 trại tạm giam cho Cơ quan thi hành án hình sự Bộ Công an quản lý
Thảo luận tại phiên họp về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đa số ý kiến phát biểu đều bày tỏ tán thành với các nội dung của báo cáo. Theo đó những nội dung được giải trình tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật thi hành tạm giữ, tạm giam bao gồm: tên gọi của dự án Luật; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; phân loại quản lý tạm giữ, tạm giam; việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, tạm giam; thẩm quyền giải quyết khiếu nại; vấn đề khởi kiện vụ án hành chính trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam.
Để đảm bảo với phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật cũng như tránh việc hiểu luật này điều chỉnh cả các nội dung về thẩm quyền, điều kiện, trình tụ, thủ tục áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam đã được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến lấy tên là Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cơ quan soạn thảo dự án Luật đề nghị vẫn giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát trực tiếp quản lý để thuận lợi cho công tác điều tra.
Không tán thành với đề nghị của cơ quan soạn thảo, đại diện cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng việc giao quản lý các trại tạm giam cho Cơ quan thi hành án hình sự Bộ Công an như dự thảo Luật là hợp lý. Bởi Tổng cục 8 Bộ Công an là tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có chức năng giúp Bộ Công an, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành tạm giữ, tạm giam. Đây cũng là cơ quan không liên quan đến quá trình điều tra. Do đó, việc giao quản lý các trại tạm giam cho cơ quan này sẽ bảo đảm độc lập hơn, tránh tình trạng truy bức, nhục hình.
Mặt khác, nếu để 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay thuộc Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát sẽ không bảo đảm tính khách quan bởi hai cơ quan này có liên quan trực tiếp đến hoạt động điều tra và chỉ đạo điều tra.
Lập luận này cũng nhận được sự tán thành của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đồng ý thành lập Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự về các nội dung: một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; điều tra đối với một số trường hợp phát hiện tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan khác; tổ chức bộ máy của cơ quan cảnh sát điều tra; trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; điều tra viên và cán bộ điều tra.
Tán thành với nhiều nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc thành lập Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu như trong dự thảo Luật. Việc thành lập cơ quan điều tra chuyên trách trong Công an nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm về buôn lậu ngày càng gia tăng về quy mô, mức độ và phù hợp với cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Phó Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hải Phong phát biểu tại Phiên họp
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng các quy định về bộ máy cơ quan điều tra chuyên trách tại điều 15, 18, 22, 25, 29 của dự thảo Luật chưa đảm bảo đồng nhất. Cho rằng, các cơ quan điều tra chuyên trách thì chỉ có cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an được tổ chức theo mô hình cấp tổng cục, còn lại cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, cơ quan điều tra Viện kiểm sát tối cao, cơ quan an ninh điều tra trong quân đội đều là mô hình cấp cục, nhưng ngay trong các cơ quan đó thì mô hình tổ chức cũng không phù hợp.
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân tích thêm, bộ máy cơ quan an ninh điều tra phải có các phòng điều tra, phòng nghiệp vụ và văn phòng cơ quan an ninh điều tra, không có bộ máy giúp việc. Trong khi đó, bộ máy cơ quan cảnh sát điều tra có bộ phận điều tra, bộ phận quản lý kiểm tra, hướng dẫn điều tra không có bộ phận nghiệp vụ và bộ phận giúp việc. Cơ quan Viện kiểm sát tối cao gồm các phòng điều tra, bộ máy giúp việc nhưng không có phòng nghiệp vụ cũng như bộ phận quản lý, kiểm tra, hướng dẫn điều tra.
Thảo luận về kiến nghị của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng tổ chức ở các bộ và các cơ quan này khác nhau về mức độ, về quy mô, về số lượng vụ việc, do đó tổ chức bên trong cũng khác.
Tán thành với các quy định của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, cho rằng tổ chức cơ quan điều tra phải căn cứ vào phạm vi, mức độ nhiệm vụ, quyền hạn, phù hợp với chức năng được giao.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Dương Ngọc Ngưu làm rõ thêm không thể nào thành lập các phòng nghiệp vụ bên trong cơ quan điều tra Viện kiểm sát tối cao bởi thực chất đây là hoạt động trinh sát, không thể có lực lượng trinh sát đi trinh sát tất cả 700 tòa án huyện và 63 tòa án tỉnh, thành và 700 cơ quan thi hành án... Hoặc cơ quan an ninh điều tra chỉ có 2 cấp là cấp bộ và cấp tỉnh, còn cảnh sát điều tra có 3 cấp, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện thì cơ cấu tổ chức của các cơ quan này cũng khác nhau. Do đó, đại diện Ủy ban Tư pháp đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội không giải trình ý kiến của Viện kiểm sát về vấn đề này.