Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 vừa qua. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Bộ luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 39 chương, 495 điều.
Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự
Nội dung quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được quy định tại khoản 2, Điều 4 của dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) về việc “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến.
Về quy định này, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, chủ trương mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân như quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, cần nghiên cứu hết sức thận trọng để bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị trước mắt chưa nên quy định nội dung Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng trong dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).
Tuy nhiên, có ý kiến tán thành với quy định được thể hiện tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật, vì cho rằng nội dung này bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng, thì Tòa án áp dụng nguyên tắc chung của Luật, án lệ, nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần quy định cụ thể Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng vào trong dự thảo Bộ luật, bởi vì Tòa án là cơ quan xét xử cao nhất của một quốc gia, có chức năng bảo vệ công lý. Do đó, bất kể việc gì, kể cả là dân sự, nhưng người dân đã thỏa thuận và đưa ra Tòa án thì không thể vì lý do gì mà Tòa lại từ chối. Nếu không có luật để áp dụng thì Tòa phải dựa vào phong tục, tập quán, lẽ phải để giải quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” là quan điểm rất nhân văn và nhận được sự ủng hộ lớn từ phía Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội vậy mà lại quay trở lại thành phương án vì không tìm được cơ sở căn cứ để giải quyết các vụ việc dân sự khi chưa có luật định. Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và đưa ra căn cứ thuyết phục cho quy định này.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ quan điểm, quy định như vậy là cần thiết để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; và Tòa án hoàn toàn có khả năng giải quyết vụ án trong trường hợp chưa có điều luật quy định. Chủ tịch Ksor Phước cho rằng, khi hoàn tất thủ tục tiếp nhận vụ án, Tòa án cần làm việc với 2 bên để xác định nguyên tắc làm cơ sở giải quyết vụ việc. Nếu 2 bên đồng thuận thì Tòa án sẽ xét xử trên cơ những nguyên tắc chung đã được thống nhất đó.
Cân nhắc việc công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án
Tại Chương 32 của dự thảo Bộ luật quy định về việc công nhận kết quả hòa giải các vụ việc ngoài Tòa án giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền, tổ chức có nhiệm vụ hòa giải theo quy định của pháp luật. Theo đó, khi xem xét quyết định công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án, Tòa án nhân dân phải căn cứ vào các điều kiện quy định tại điều 408. Đặc biệt, kết quả hòa giải ngoài tòa án được Tòa án quyết định công nhận sẽ được cơ quan thi hành án dân sự thi hành như bản án, quyết định của Tòa án theo pháp luật về thi hành án dân sự.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp
Về quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, quy định về việc công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án và điều kiện công nhận được quy định tại Điều 407, 408 của dự thảo là hợp lý. Đại biểu cho rằng, nếu người dân có yêu cầu công nhận hòa giải ngoài tòa án, mà Tòa án đáp ứng được nguyện vọng của họ là quá tốt. Nếu làm được việc này thì Luật hòa giải cơ sở sẽ có giá trị hơn. Đại biểu phân tích, bây giờ hòa giải xong không ai công nhận, ai muốn làm thì làm không làm thì thôi, thì sẽ không có giá trị. Nhưng nếu dựa vào các điều kiện được nêu tại Điều 408 của Bộ luật này, thì giá trị của của việc hòa giải sẽ được nâng lên. Đây là phương châm quá tốt, giảm bớt các vụ việc tới tòa.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, thiết kế quy định như trong dự thảo còn khó hiểu. Bởi, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nếu việc hòa giải ngoài tòa án thành công rồi, thì liệu chúng ta có nên công nhận cái đó như một bản án hay không? Vì hòa giải thành công là mọi việc đã xong xuôi. Còn nếu hòa giải không thành thì một bên đương sự mới phải kiện trước tòa.
Phát biểu về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án cũng phải xem xét cụ thể tùy từng trường hợp, không phải tất cả mọi trường hợp hòa giải bên ngoài đều cần phải được Tòa án công nhận mà chỉ có một số trường hợp nào thôi.
Tại phiên họp, vấn đề về việc quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ rục rút gọn cũng được các đại biểu quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận, đây là một điểm mới trong dự thảo Bộ luật được quy định tại Điều 313. Theo đó, trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định tại Điều 191 của Bộ luật này, nếu xét thấy vụ án đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Điều 312 của Bộ luật này thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn và mở phiên tòa xét xử trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày ra quyết định.
+ Cuối giờ chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập Công ước Viên năm 1980 trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế.