Bảo đảm tính khách quan, độc lập trong xét xử

23/06/2015

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 23/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi). Đa số các ý kiến đại biểu nhất trí nên giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Đại biểu Hà Thị Lan-Bắc Giang phân tích, hiện nay, mặc dù chủ trương cải cách tư pháp là tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp huyện, bảo đảm cho thẩm phán và tòa án được độc lập xét xử. Song, do nhiều nguyên nhân khác nhau, Tòa án nhân dân cấp huyện vẫn phụ thuộc nhiều vào cấp ủy và cơ quan hành chính, tính độc lập của thẩm phán vẫn bị chi phối nhiều về mặt tổ chức nhân sự, và điều kiện tái bổ nhiệm.

Do vậy, trong nhiều trường hợp các bản án của Tòa án cấp huyện khi giải quyết đối với các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện vẫn bị ảnh hưởng và chi phối. Điều này không những làm yếu đi vị thế vai trò của thẩm phán cấp huyện về lâu dài còn khiến cho người dân không tin tưởng nhiều vào Tòa án hành chính.

Hơn nữa, đại biểu cho rằng, loại quy định này thường liên quan đến lĩnh vực đất đai. Đây là những loại việc khó và phức tạp, đòi hỏi trình độ của thẩm phán cấp huyện phải thật sự chuyên sâu. Trong khi đó, thẩm phán hành chính ở cấp huyện do quá ít điều kiện giải quyết án hành chính nên thường gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, việc giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện một mặt không làm quá tải về công việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Mặt khác, sẽ khiến cho tính độc lập, tính chuyên sâu của thẩm phán hành chính tăng cường và bảo đảm hơn. 

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng-Bình Phước cũng bày tỏ nhất trí cao với quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý, giải quyết các khiếu kiện, quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Đại biểu cho rằng, đây là một quy định cần thiết, không chỉ vì lý do Tòa án nhân dân huyện nhiều việc, và chưa có Tòa án hành chính chuyên trách, mà điều cơ bản do quyết định trên sẽ tháo gỡ được những khó khăn của thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện đang rơi vào tình thế khó có thể khách quan, vô tư được khi thi hành công vụ, khi được giao xử lý những vụ án có liên quan đến Ủy ban nhân dân huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.

Đại biểu nhấn mạnh, việc quy định như trên là một biện pháp tất yếu, để đảm bảo tính khách quan, độc lập trong xét xử. Đồng thời, vừa giải tỏa được tư tưởng của thẩm phán, vừa đảm bảo cho người dân tin tưởng vào sự khách quan của tòa án.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương-TP. Hồ Chí Minh phân tích, tư pháp càng độc lập với hành pháp bao nhiêu thì càng tốt, nhất là đối với án hành chính thường yếu thế hơn. Rõ ràng thực tế chỉ ra nguyên nhân chính mà án hành chính cấp huyện bị hủy nhiều không phải do trình độ mà do ngại va chạm với chính quyền.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, sắp tới, Tòa án cấp cao sẽ được thành lập theo luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 thì tòa án này hoàn toàn độc lập với chính quyền địa phương. Số án hành chính này không nhiều, có 4.500 vụ chia đều cho 63 tỉnh, kể cả cấp huyện xử sơ thẩm thì khi phúc thẩm vẫn lên tỉnh, hai cấp xét xử vẫn phải lên tỉnh. Cho nên, đại biểu đồng ý với dự thảo ở điểm giao cho tòa án tỉnh thụ lý giải quyết đối với khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch hoặc của Ủy ban nhân dân huyện.

Nguyễn Phương-Hồ Hương