Quy định rõ hơn việc tranh tụng tại phiên tòa

23/06/2015

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 23/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, quy định bảo đảm tranh tụng trong tố tụng hành chính đã cụ thể hóa được tinh thần của Hiến pháp về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu kỹ nội dung, mô hình tranh tụng tại từng giai đoạn để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh-Quảng Nam cho rằng, dự thảo Luật lần này đã cụ thể hóa các quan điểm, định hướng của Đảng cũng như quy định của Hiến pháp về tranh tụng trong xét xử như: Đưa ra khái niệm cụ thể về tranh tụng trong xét xử, bổ sung quy định quyền của đương sự về việc đề nghị Tòa án tổ chức phiên họp và tham gia phiên họp xem xét việc thụ lý, xác minh, thu thập chứng cứ và giải quyết các yêu cầu khác về tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án…

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh đánh giá, những quy định được sửa đổi, bổ sung nêu trên là hoàn toàn phù hợp để đảm bảo cho việc thực hiện tranh tụng trong xét xử các vụ án hành chính; qua đó nâng cao chất lượng hiệu quả của việc giải quyết các vụ án hành chính.

Cũng đồng tình với quy định về tranh tụng trong tố tụng hành chính, tuy nhiên đại biểu Võ Thị Hồng Thoại-Bạc Liêu nhận định, đảm bảo tranh tụng trong tố tụng hành chính là một quy định mới. Do đó, đề nghị tòa án cần đảm bảo mọi tài liệu chứng cứ phải được xem xét công khai tại phiên tòa. Đại biểu nhấn mạnh, quy định công khai ở đây phải được thể hiện tại phiên tòa chứ không phải công khai cho có hình thức.

Đại biểu Lương Văn Thành-TP Hải Phòng thể hiện sự đồng tình và đánh giá cao Ban soạn thảo đã dành riêng Mục 3 để quy định về trình tự tranh tụng tại phiên tòa khá toàn diện và đầy đủ. Theo đó, Chủ tọa phiên tòa có tư cách là người điều khiển việc tranh tụng. Đây là điểm tiến bộ mang tính đột phá của Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), có thể nói nguyên tắc tranh tụng là thành quả của một nền tư pháp tiên tiến, hiện đại.

Đại biểu Lương Văn Thành nhận định, hiện nay, các nước có mô hình thẩm vấn cũng đang nghiên cứu và tiếp nhận những yếu tố hợp lý của tranh tụng để hướng tới đảm bảo một phiên tòa dân chủ, khách quan.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Lương Văn Thành đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung, quy định rõ hơn việc tranh tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm. Bởi, đây là một thủ tục đặc biệt, không phải là một cấp xét xử. Hơn nữa, vai trò của luật sư và các đương sự tham gia tại phiên tòa giám đốc thẩm còn rất hạn chế. Vì vậy, dự thảo cần phải được bổ sung cụ thể, chi tiết hơn.

Nguyễn Phương-Hồ Hương