Thảo luận tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa – Đoàn ĐBHQ TP.Hồ Chí Minh bày tỏ nhất trí cao việc xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam và nêu rõ, Việt Nam có đường biên giới trên bộ khoảng hơn 5.000 km, đường biển hơn 3.260 km, đường biên giới quốc gia, khu vực biên giới là địa bàn chiến lược rất quan trọng, cần phải có luật để điều chỉnh, quản lý.
Góp ý về tên gọi của dự án Luật, đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa nhất trí là Luật Biên phòng Việt Nam. Theo đại biểu, trên cơ sở thực hiện theo các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và nhất là Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị ngày 28/9/2018 đã xác định chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và xác định hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch cập nhật pháp luật quốc tế, xác định rõ phạm vi trách nhiệm, dễ thực hiện, có tính khả thi cao, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, của các lực lượng vũ trang nhân dân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; đồng thời cũng đề cập sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Đại biểu cũng làm rõ, nếu điều chỉnh trong Luật Bộ đội biên phòng Việt Nam thì không thể nào điều chỉnh hết được những nội dung rất quan trọng trong xác định các hệ thống chính trị, các sở, ban ngành của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ an ninh quốc gia và khu vực biên giới.
Theo đó, tên gọi của Luật Biên phòng Việt Nam ở đây thể chế hóa được đầy đủ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, chiến lược về bảo vệ biên giới quốc gia cũng như thể hiện toàn diện, đầy đủ nguyên tắc thực hiện nhiệm vụ biên phòng, chính sách của Nhà nước và nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới.
Hiện nay có nhiều văn bản liên quan đến bảo vệ biên giới quốc gia như Luật Biên giới quốc gia chủ yếu đề cập biên giới quốc gia, chế độ quản lý biên giới quốc gia, trong đó có mang tính nguyên tắc về xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới; ngoài ra còn có Luật Quốc phòng tuy nhiên các văn bản này chưa nêu cụ thể rõ về một số nội dung chi tiết. Do vậy, lấy tên Luật Biên phòng Việt Nam là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị.
Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa – Đoàn ĐBHQ TP.Hồ Chí Minh
Thứ hai, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam khắc phục được hạn chế, bất cập sau khi tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh Bộ đội biên phòng. Pháp lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đề cập tới chức năng, nhiệm vụ của lực lượng biên phòng hay trang bị của bộ đội biên phòng. Trong khi đó các nội dung như xây dựng cơ sở pháp lý, trong xây dựng nền biên phòng Việt Nam, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới thì chưa đề cập như công trình biên giới, các công trình phòng thủ và khu dân cư biên giới. Trong đó, lực lượng của nhân dân biên giới là lực lượng đặc biệt quan trọng trong bảo vệ biên giới. Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa cho rằng, nếu như không có những chính sách, không có những nguyên tắc để hoạt động phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới; không bố trí khu dân cư ở biên giới thì biên giới lỏng lẻo sẽ rất khó và nguy hiểm.
Thứ ba, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam khá chi tiết, khá đầy đủ, thể hiện được các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phù hợp với chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đang gặp khó khăn mà chủ yếu là ở khu vực biên giới.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật phản ánh đầy đủ nội hàm tên gọi là quy định nhiều nội dung mới như chính sách của nhà nước biên phòng, nhiệm vụ biên phòng do nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, hợp tác quốc tế về biên phòng, giao nhiệm vụ của lực lượng biên phòng và lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ biên giới quốc gia dưới sự tham gia của nhiều chủ thể thực hiện thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt chuyên trách. Điều chỉnh chức trách của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các đoàn thể và nhân dân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Dự thảo luật quy định cũng đầy đủ, toàn diện về nhiệm vụ, chức trách, bảo đảm nguồn lực, chế độ chính sách trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng.
Phạm vi điều chỉnh của Luật bao hàm các lực lượng, hệ thống chính trị quy định các sở, ban, ngành; xác định rõ đầy đủ về chức trách, nhiệm vụ, thực thi nhiệm vụ biên phòng là nhiệm vụ chức trách của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương nơi có biên giới trong xây dựng, quản lý bảo vệ quốc gia. Đồng thời xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng chuyên trách là lực lượng bộ đội biên phòng, nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho lực lượng này thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời cũng bảo đảm nguồn lực thực thi nhiệm vụ biên phòng quy định về chế độ, chính sách đặc thù cho lực lượng biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia./.