ĐBQH NGUYỄN MINH HOÀNG: XÁC ĐỊNH RÕ CÁC LỰC LƯỢNG THỰC THI NHIỆM VỤ BIÊN PHÒNG

24/09/2020

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh cho rằng dự thảo Luật đã xác định rõ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng vừa bảo đảm yêu cầu bảo vệ biên giới quốc gia, thể chế hóa quan điểm đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự án luật, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng -  Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh bày tỏ nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Biên phòng Việt Nam với những lý do như Ban soạn thảo và Chính phủ đã trình trước Quốc hội cũng như thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Làm rõ thêm sự cần thiết của dự án Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho biết, hiện nay đường lối, quan điểm, về chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước ta về biên giới quốc gia là rất rõ. Đây là một yêu cầu hết sức bức thiết và là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân ta trong thời kỳ mới, trong xây dựng đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đại biểu nhấn mạnh để bảo vệ chủ quyền quốc gia thì một trong những yêu cầu trong đó thành tố quan trọng là biên giới quốc gia phải ổn định, hòa bình, phải phát triển và biên giới đó phải là biên giới hữu nghị. Đây là một yêu cầu hết sức thiết yếu. Chính vì vậy mà Đảng ta, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 33 năm 2018 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Hiến pháp năm 2013 cũng đã ghi rõ vấn đề này: bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc, lãnh thổ là quyền bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam, của đất nước và Tổ quốc, nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng, công việc nặng nề này lại vận hành trên cơ sở là một pháp lệnh và đã trải qua 20 năm. Do vậy những bất cập của nó là không thể tránh khỏi và có những va chạm về mặt pháp lý. Những bất cập trong tổng kết 20 năm thực hiện pháp lệnh cũng đã chỉ ra, trong đó có cả lực lượng, trang bị, phương tiện, khí tài và đặc biệt là cơ chế, chính sách để thực hiện nhiệm vụ biên phòng Việt Nam để giữ vững an ninh chính trị, trật tự ở khu vực biên giới. Do đó, muốn bảo đảm xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng cơ sở chính trị ở khu vực biên giới và bảo đảm biên giới hòa bình, hữu nghị; sự giao thương quốc tế, đối ngoại quốc phòng và đối ngoại nhân dân ở trên vùng biên giới thì cần phải thông qua dự luật này.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho biết, để thực hiện nhiệm vụ biên phòng hiện có nhiều lực lượng và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các lực lượng đứng chân trên biên giới. Dự thảo luật lần này có đề xuất có 3 lực lượng chính thực thi nhiệm vụ biên phòng trên khu vực biên giới. Trong Điều 5 và Điều 7 của dự thảo luật đã quy định rõ lực lượng chuyên trách, lực lượng nòng cốt và lực lượng của nhân dân và hệ thống chính trị. Quy định này để tránh có sự nhầm lẫn như trước đây, kể cả Pháp lệnh Dự bị động viên không điều chỉnh chỗ này dẫn đến việc phối hợp và tổ chức thực hiện phần nào đó có những hạn chế nhất định. Luật này ra đời sẽ làm cơ sở để các bộ, ban, ngành và đơn vị chủ công sẽ có những quy chế phối hợp một cách nhuần nhuyễn hơn. Xác định được cụ thể ở Điều 5, Điều 7 về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng sẽ làm cơ sở để giúp cho cán bộ, chiến sĩ, giúp cho nhân dân, giúp cho cả hệ thống chính trị và các bộ, ban ngành tham gia thực hiện nhiệm vụ biên phòng tốt hơn.

Một là sự tham gia của toàn hệ thống chính trị. Nghị quyết số 33 của của Bộ Chính trị năm 2018 đã thể hiện rõ Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và từ đây đã xác định lực lượng biên phòng. Trong đó phải nói hệ thống chính trị là một trong những lực lượng quan trọng trong việc thực thi nhiệm vụ biên phòng. Xuất phát từ nguyên tắc chiến lược bảo vệ Tổ quốc thì việc thực thi nhiệm vụ biên phòng trên khu vực biên giới, nơi có biên giới quốc gia sẽ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và sự tham gia và giám sát của Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức thành viên đã được xác định rõ trong dự thảo Luật. Cụ thể là nhiệm vụ, trách nhiệm của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở nơi có khu vực biên giới, đóng góp vào quyết định của cơ quan này trong quản lý, điều hành của chính quyền địa phương trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia.

Hai là, nhân dân là chủ thể trong việc xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia. Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho biết, nội dung này trước nay mới chỉ quy định trong nghị quyết, xác định thế trận lòng dân, nhân dân là cột mốc sống ở trên biên giới. Nhưng trong thực tế lại không có chính sách cụ thể để đưa vào thực hiện trong đời sống và trong hoạt động bình thường ở biên giới và khi có vấn đề trên biên giới

Dự thảo luật điều chỉnh không chỉ đơn thuần là những lực lượng vũ trang mà chính nhân dân là những người phải thực thi nhiệm vụ cũng nhằm cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi được Hiến pháp quy định “công dân có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc”. Cách cụ thể bảo vệ Tổ quốc chính là phải bảo vệ biên giới quốc gia trên bộ, trên biển. Trong thực tiễn đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia đã chứng minh nhân dân chính là chỗ dựa, là lực lượng chiến đấu trực tiếp tham gia cùng với lực lượng vũ trang trong việc bảo vệ biên giới quốc gia.

Ba là trách nhiệm của cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang là nòng cốt trong đó có xác định lực lượng biên phòng là lực lượng chuyên trách. Đại biểu chỉ rõ, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách chính là thể chế hóa Luật Biên giới quốc gia và chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia của Đảng. Nghị quyết số 33 năm 2008 của Bộ Chính trị xác định xây dựng lực lượng này là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và có từng lực lượng chuyên ngành sẽ tiến thẳng lên hiện đại. Tại khoản 2 Điều 31 Luật Biên giới Quốc gia cũng đã quy định: “Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp cùng với công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định pháp luật”.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, quy định về các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng như dự thảo Luật cũng bảo đảm việc thực thi nguyên tắc một cơ quan thực hiện được nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm nội hàm các điều, khoản trong việc quản lý bảo vệ, cụ thể hơn quy định tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia của các chủ thể liên quan và mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng. Đồng thời nghiên cứu kỹ hơn việc xây dựng công trình biên giới và các khu vực biên giới; xây dựng lực lượng làm tốt công tác huấn luyện và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu; một số quyền hạn của bộ đội biên phòng./.

Bảo Yến