ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: TIẾP TỤC QUAN TÂM HƠN NỮA ĐẾN LỰC LƯỢNG CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG

08/11/2021

Sáng 08/11, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, tham gia thảo luận tại hội trường Diên Hồng về báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới lực lượng công nhân lao động.

Toàn cảnh Phiên thảo luận

Nhân dân luôn là lực lượng chủ đạo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Ghi nhận và đánh giá cao đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành cũng như các lực lượng tuyến đầu trong triển khai phòng chống dịch Covid-19, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, có 3 bài học quý giá cần rút ra trong quá trình 2 năm phòng, chống dịch:

Một là, cuộc chiến với đại dịch covid-19 là một hành trình đầy thách thức, khắc nghiệt và khó lường; đòi hỏi phải quyết liệt trong từng hành động, cầu thị trong học hỏi; quả cảm trong thay đổi nhận thức và tư duy. Ngoài ra, đối với việc cách ly xã hội cần phải làm sớm, làm nhanh làm chặt nhưng cũng phải ở diện hẹp nhất; đối với công tác xét nghiệm phải triển khai khoa học, hợp lý và hiệu quả, tiết kiệm nhưng phải là thần tốc. Đối với công tác điều trị phải triển khai tích cực nhất, sớm nhất từ cơ sở để giảm nguy cơ tử vong.

Hai là, cuộc chiến phòng chống Covid -19 dù khắc nghiệt đến đâu và gây tổn thất đến mức nào cũng không làm cho đất nước ta bị tê liệt, chia rẽ mà trái lại còn làm chúng ta mạnh lên về tư duy nhận thức, tầm nhìn và ý chí chiến lược.

Ba là, Nhân dân sẽ luôn là lực lượng chủ đạo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng và ứng phó với mọi thách thức trong tương lai.

Đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam 

Xem người lao động là động lực tăng trưởng

Đại biểu Trần Văn Khải cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã và đang là một thách thức đặc biệt với Việt Nam và thế giới. Vì vậy, để phục hồi, ổn định phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa tới lực lượng công nhân lao động. “Giai đoạn giãn cách vừa qua chúng ta luôn quan tâm nhiều đến tác động của kinh tế nhưng hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng, công nhân lao động bị sang chấn về tinh thần là điều chưa từng xảy ra, sẽ để lại di chứng lâu dài cần nhiều thời gian khắc phục…”, đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.

Theo đại biểu, trước đây việc thu hút lao động từ nông thôn lên thành thị đã rất khó, giờ đây lại xuất hiện tình trạng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê. Tình trạng doanh nghiệp không thể giữ được lao động kể cả khi Chính phủ đang mở cửa hiện đang diễn ra. Do đó, đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng và hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ tăng trưởng đất nước. Vì vậy, đại biểu đưa ra kiến nghị:

Thứ nhất, đối với những người lao động phải di chuyển tìm việc thì động lực lớn nhất để họ quay lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn. Song song với các động thái quyết liệt, kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới sớm nhất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc bao gồm không chỉ kết nối cung cầu lao động mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội hỗ trợ tài chính; ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động làm việc làm tăng thu nhập đảm bảo cuộc sống; có chính sách khuyến kích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số biện pháp tuyên truyền hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe giúp người lao động yên tâm quay trở lại lao động.

Thứ hai, bài học qua đại dịch Covid-19 cho thấy, vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong biến động về kinh tế -xã hội. Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực; bảo đảm 1 số dịch vụ xã hội cơ bản; bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân; nâng cao hiệu quả hệ thống y tế cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở nhà trẻ, trạm y tế, các công trình văn hóa cho công nhân lao động tại các khu chế xuất.

Thứ ba, Chính phủ có thể phải cân nhắc và chuẩn bị khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống không bình thường; mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội hỗ trợ người lao động./.

Lê Anh - Nghĩa Đức