Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nêu rõ, năm 2021, Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát thứ tư của đại dịch COVID-19 với biến thể mới, tốc độ lây lan nhanh, mức độ xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã kịp thời có những quyết sách quan trọng, chỉ đạo quyết liệt, đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết. Cho đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng, chống dịch, tuy nhiên, hậu quả mà dịch bệnh để lại là rất to lớn, tác động đến nhiều ngành, nghề và nhiều nhóm đối tượng trong xã hội.
Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và có chính sách để tận dụng lực lượng lao động chưa sử dụng hết tiềm năng
Làm rõ tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, tính riêng trong Quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… So với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch COVID-19 trong Quý III tăng thêm 15,4 triệu người. Cũng trong quý này, tỷ lệ thất nghiệp là 3,72%, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ Quý I/2020 đến nay.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động, đại biểu đề nghị cần đánh giá và có giải pháp cụ thể hơn về tác động của đại dịch Covid-19 đến tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng. Đại biểu cho biết, trong nhiều năm qua, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam chỉ ở mức 4%. Từ Quý I/2020, tỷ lệ này bắt đầu tăng lên và đến Quý III/2021, tỷ lệ này là 10,4%, cao gần gấp đôi so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (chiếm 45,2%). Vì vậy, cần đánh giá thực trạng, nguyên nhân và có chính sách để tận dụng lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ nhằm phát huy tối đa sức mạnh của nguồn nhân lực trong kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Cần có chính sách hỗ trợ nhóm lao động phi chính thức một cách thực chất
Đại biểu cho biết thêm, đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức. Trong Quý III/2021, số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản là 18 triệu người, giảm 2,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động phi chính thức có nguy cơ mất việc do khủng hoảng cao hơn gấp 03 lần so với lao động chính thức và cao hơn 1,6 lần so với lao động tự làm. Nhấn mạnh, lao động phi chính thức ít có khả năng được hưởng các chế độ an sinh xã hội, trong khi đó họ lại có mức tiết kiệm thấp hơn các nhóm khác nên khả năng rơi vào nghèo đói cao hơn, đại biểu cho rằng, nếu không có những chính sách hỗ trợ nhóm lao động phi chính thức một cách thực chất thì sẽ làm sâu sắc hơn sự bất bình đẳng trong thị trường lao động nói riêng và nền kinh tế nói chung, dẫn tới những bất ổn về mặt xã hội cũng như an ninh trật tự.
Mặt khác, đại dịch COVID-19 cũng tác đến nguồn cung lao động cho thị trường. Cùng với việc nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, nguồn cung lao động cho thị trường cũng giảm do lao động quay trở về quê vì lo sợ dịch bệnh hoặc phải cách ly, dẫn đến nguy cơ mất cân đối cung - cầu lao động trong ngắn hạn khi nền kinh tế tiến vào giai đoạn phục hồi. Do đó, để kế hoạch mở cửa trở lại có tính khả thi, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu chính sách nhằm thu hút lực lượng lao động, trong đó phải quan tâm tới các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung đông người lao động, kết hợp với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động và gia đình họ để họ an tâm quay trở lại nơi làm việc.
Bảo đảm quyền lợi của phụ nữ trong phục hồi kinh tế
Ngoài ra, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cũng đề nghị quan tâm bảo đảm quyền lợi của phụ nữ trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Đại biểu cho biết, tại Việt Nam, phụ nữ chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch, như suy giảm thu nhập, bị hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn tài chính hay các dịch vụ xã hội, gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần… Việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của Việt Nam cũng trở nên khó khăn hơn dưới tác động của đại dịch COVID-19. Ví dụ, trong lĩnh vực lao động – việc làm, trong Quý III/2021, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên, 21,5% so với 17,8%; thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,40 lần. Bên cạnh đó, theo một số nghiên cứu, áp lực về kinh tế và tinh thần trong đại dịch Covid-19 cũng dẫn đến xung đột quan hệ giới và làm gia tăng bạo lực gia đình.
Chính vì vậy, để duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được về bình đẳng giới của Việt Nam, đại biểu đề nghị cần quan tâm tới các chính sách hỗ trợ cho phụ nữ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực về kinh doanh, hỗ trợ cơ hội việc làm cho phụ nữ, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi của phụ nữ từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức; hỗ trợ nhóm phụ nữ có sinh kế bấp bệnh, phụ nữ lao động trong khu vực phi chính thức để họ có thể tiếp cận những việc làm thay thế, có nguồn tài chính ổn định giúp bảo đảm cuộc sống.
Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho phụ nữ giúp họ phục hồi hoạt động kinh doanh, cải thiện sinh kế, vay vốn thoát nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn. Hỗ trợ đào tạo cho phụ nữ để kịp thời thích ứng với xu hướng số hóa, tận dụng được nền tảng số để tiếp cận cơ hội việc làm mới./.