Theo nhận định của đại biểu Đồng Ngọc Ba, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp về thể chế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; ban hành và triển khai Nghị quyết hằng năm về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về những giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; năm 2021 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc tháo gỡ “rào cản” về thể chế, khơi thông nguồn lực cho đầu tư kinh doanh trong điều kiện dịch Covid diễn biến phức tạp. Các kết quả về cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh; cải tiến phương thức kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh Chính phủ điện tử; khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo, vv… đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của nước ta.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật hiện nay vẫn là điểm nghẽn lớn; chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật vẫn là vấn đề nghiêm trọng, tạo gánh nặng không nhỏ với doanh nghiệp; theo khảo sát của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức năm 2020 vẫn ở mức gần 45%. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, xếp hạng về Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (một chỉ số thuộc trụ cột thể chế - chỉ số B1 - để đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu), mặc dù đạt kết quả đáng mừng trong lần công bố gần nhất vào năm 2019 (năm 2020 đến nay tạm dừng công bố xếp hạng do đại dịch Covid), tăng 17 bậc, nhưng Việt Nam vẫn ở mức thấp, đứng thứ 79 trên 141 quốc gia; và rất thấp trong ASEAN, đứng thứ 7 trên 9 nước, chỉ hơn Brunei và Philippine. Các báo cáo của Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đã chỉ ra nhiều hạn chế, vướng mắc cả về nhận thức và tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.
Từ thực tế đó, thời gian tới cũng như năm 2022, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo một số việc sau để cắt giảm hiệu quả chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp:
Thứ nhất, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhận thức đúng, đầy đủ trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp; xác định việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật là yêu cầu quan trọng ngay từ khâu soạn thảo, và nhất là trong tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ hai, việc đặt ra điều kiện kinh doanh chính là hạn chế quyền tự do kinh doanh, đồng thời tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, vì vậy phải hết sức thận trọng, chặt chẽ. Từ thực tiễn hiện nay cho thấy cần tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp các bộ, chính quyền địa phương ban hành thủ tục, điều kiện kinh doanh trái pháp luật, đặc biệt là ban hành văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh. Cần thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả của các điều kiện kinh doanh để có giải pháp sửa đổi kịp thời, sát thực tiễn (nội dung này đã được quy định trong Nghị định 31 năm 2021 của Chính phủ); khi quy đinh các điều kiện kinh doanh mới, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về việc đặt ra các điều kiện kinh doanh phải xuất phát từ lý do quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức và sức khỏe cộng đồng. Một vấn đề thực tế nữa là, cần có hướng dẫn cụ thể để phân biệt quy chuẩn kỹ thuật với điều kiện kinh doanh, tránh nhầm lẫn dẫn đến việc bộ, ngành, địa phương ban hành trái thẩm quyền các điều kiện kinh doanh dưới dạng quy chuẩn kỹ thuật.
Thứ ba, cần tập trung cải cách thủ tục trong các lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, xây dựng, thuế, kho bạc, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh việc mở rộng các dịch vụ công được cung cấp hoàn toàn trên môi trường mạng (cấp độ 4); tiếp tục đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; giảm thiểu thanh, kiểm tra cả về số cuộc, số lần và thời gian thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp; không thanh, kiểm tra trùng lặp.
Thứ tư, hiện nay, các cơ sở dữ liệu của Nhà nước về văn bản quy phạm pháp luật (gồm Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Công báo điện tử về văn bản quy phạm pháp luật và Bộ Pháp điển điện tử) được xây dựng, quản lý phân tán, dàn trải nguồn lực, dẫn đến hiệu quả sử dụng chưa đáp ứng tốt yêu cầu tra cứu, khai thác của người dân, doanh nghiệp. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng của các cơ sở dữ liệu này; nên tập trung nguồn lực để xây dựng một Cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất về văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ năm, thực tiễn việc tổ chức thực hiện các hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật hiện nay còn có những điểm “chia cắt” bất hợp lý với các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật cả về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như phân tán nguồn lực và đầu mối quản lý; vì vậy cần nghiên cứu, có giải pháp gắn kết đồng bộ, hiệu quả các hoạt động này, bảo đảm tập trung nguồn lực hợp lý nhất cho việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.