ĐBQH ĐỖ ĐỨC HIỂN: HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19

08/11/2021

''Hoàn thiện một cách căn cơ các quy định của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống, thích ứng với dịch,…'' là kiến nghị của đại biểu Đỗ Đức Hiển – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, tại Phiên thảo luận toàn thể về báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, sáng 08/11.

 

Toàn cảnh Phiên thảo luận

Phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng  bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hệ thống các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Theo đại biểu, các biện pháp phòng, chống dịch được quy định tập trung trong Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, các biện pháp phòng, chống dịch chưa dự liệu đủ các biện pháp, chính sách cần áp dụng. Thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp cũng chưa đủ rõ để ban hành các biện pháp mạnh và kịp thời. Trong khi đó, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp đã ban hành từ năm 2000 trước khi có Hiến pháp 2013. Nhiều quy định hiện không còn phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có nội dung chủ yếu để áp dụng trong điều kiện bình thường, trong trạng thái tĩnh mà chưa chú trọng dự liệu đến tình trạng cấp bách do dịch bệnh. Trong điều kiện dịch bệnh, thiên tai, việc thay đổi các phương thức sinh hoạt, học tập, làm việc, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước là đòi hỏi khách quan. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý quy định nội dung này còn chưa đầy đủ. Nhiều văn bản tuy đã có dự liệu về thời hạn, thời hiệu để áp dụng trong tình huống cấp bách hoặc bất khả kháng, nhưng thực tiễn cho thấy còn có vướng mắc, nhất là trong điều kiện phải thực hiện giãn cách xã hội.

Đại biểu cũng cho biết, mặc dù Nghị quyết số 30 của Quốc hội cho phép Chính phủ được áp dụng các hình thức văn bản như nghị quyết, quyết định, chỉ thị, công điện, công văn để quy định tổ chức triển khai các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch, nhưng việc cho phép là có thời hạn. Mặt khác, một số biện pháp cấp bách được Quốc hội cho phép áp dụng là các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp đòi hỏi phải được hướng dẫn kịp thời, thống nhất, song việc triển khai còn chậm. Việc nghiên cứu, tham mưu ban hành văn bản của một số địa phương chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng dẫn đến phải thay đổi khi vừa có hiệu lực.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, đại biểu cho rằng việc hoàn thiện một cách căn cơ các quy định của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống, thích ứng với dịch là rất cần thiết. Do đó, đại biểu Đỗ Đức Hiển kiến nghị cần tập trung một số nội dung sau:

Một là, cần khẩn trương rà soát các biện pháp chống dịch đã thực hiện trong thời gian qua để trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Trong đó, cần chú trọng trao quyền mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, Ủy ban nhân dân các cấp để quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, bao gồm cả các biện pháp về y tế, hành chính, an sinh xã hội và các hình thức ban hành văn bản. Các biện pháp này phải dựa trên mức độ nguy cơ rủi ro của dịch bệnh. Trong trường hợp đặc biệt hết sức cấp bách có thể khác với quy định của luật hoặc chưa được luật quy định nhưng phải bảo đảm sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền và bảo đảm nguyên tắc thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Hai là, trên cơ sở Kết luận số 19 của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã phê duyệt Đề án 292 về định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XV với 137 nhiệm vụ lập pháp. Trong quá trình triển khai, các cơ quan cần chú trọng đến các quy định để áp dụng trong điều kiện cấp bách về dịch bệnh, thiên tai. Các quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển trạng thái từ tĩnh sang động, từ trực tiếp sang gián tiếp.

Ba là, trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và các yếu tố an ninh phi truyền thống khác dự báo sẽ diễn biến khó lường, để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục các tình huống này trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, cần nghiên cứu xây dựng một đạo luật về tình trạng khẩn cấp để thay thế pháp lệnh hiện hành. Luật này ngoài quy định về tình trạng khẩn cấp cũng cần thể chế hóa các quy định để điều chỉnh các biện pháp xử lý các tình huống cấp bách, đặc biệt nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp. Các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ người dân, doanh nghiệp bị tác động, nhất là nhóm yếu thế dễ bị tổn thương.

Nhấn mạnh, trong bối cảnh phải đối phó với dịch bệnh chưa hề có tiền lệ, làm phát sinh nhiều vấn đề mới phức tạp, pháp luật chưa thể dự liệu hết, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng những khoảng trống về pháp luật nếu không sớm được khắc phục, một mặt sẽ làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng không tốt đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, cũng tạo sơ hở để cho các đối tượng xấu lợi dụng, kích động. Do đó, với tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, đại biểu kiến nghị cần khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm chủ động trong công tác phòng, chống và thích ứng tốt với dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là việc làm hết sức cần thiết để tiếp tục khơi dậy, phát huy tính tích cực, cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, tổ chức và mỗi người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh, là công cụ bảo vệ cuộc sống an toàn, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng./.

Lê Anh