ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN: TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU VÀ BAN HÀNH CÁC CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ, TÀI CHÍNH

08/11/2021

Thảo luận tại hội trường ngày 08/11 về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách về tiền tệ, tài chính và xem xét quy mô các gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

 

Phiên họp toàn thể tại Hội trường Diên Hồng ngày 08/11/2021

Phát biểu về kết quả đạt được, đại biểu Trần Văn Tiến đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng báo cáo nêu tương đối đầy đủ và rõ nét bức tranh kinh tế - xã hôi, ngân sách nhà nước năm 2021. Trong đó, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản đã được khống chế, số ca mắc nhiễm và tử vong giảm nhanh chóng, số người mắc bệnh cơ bản được điều trị khỏi bệnh và xuất viện; công tác tiêm vắc xin được triển khai tích cực. Ban hành kịp thời nhiều chính sách, các gói hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động gặp khó khăn; nguồn lực cho công tác phòng chống dịch đáp ứng nhu cầu…

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng; Kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản đảm bảo; nhiều ngành kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng khá như: Nông nghiệp, ông nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; nhiều nhiệm vụ đạt vượt dự toán như: thu Ngân sách Nhà nước, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, huy động vốn đầu tư toàn xã hội; các nhiệm vụ chi cơ bản đáp ứng yêu cầu… Văn hóa, giáo dục, y tế, nỗ lực duy trì các hoạt động phù hợp với bối cảnh dịch bệnh; các chính sách xã hội tiếp tục được quan tâm; đời sống nhân dân được ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quan hệ Quốc tế tiếp tục được mở rộng, uy tín và vị thế của Việt Nam được nâng lên.

Có được kết quả trên là sự nỗ lực quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, nên rất đáng ghi nhận.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, phát biểu tại phiên thảo luận

Về hạn chế, yếu kém, đại biểu đề cập thêm: Công tác dự báo về mức độ nguy hại của tình hình dịch bệnh chưa đúng mức, dẫn đến chưa chuẩn bị tốt các điều kiện, trang thiết bị và con người cho công tác phòng, chống dịch. Hệ thống y tế có thời điểm chưa theo dõi được toàn bộ số F0, dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm cao, có thời điểm số ca lây nhiễm trong ngày tăng cao hơn bình quân của thế giới; Một số chính sách hỗ trợ có tính khả thi thấp; một số gói hỗ trợ triển khai còn chậm và lúng túng chưa đạt kết quả được như mong muốn.

Việc khắc phục, hoàn thiện những hạn chế, bất cập, chồng chéo về pháp luật chậm được khắc phục, dẫn đến kìm hãm sự phát triển KT-XH là tất yếu.

Về xem xét một số chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, đại biểu bày tỏ đồng tình với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong báo cáo. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng chỉ tiêu về thu ngân sách nhà nước tăng 3,4% là chưa thực sự phù hợp, khi dự kiến mức tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% và lạm phát khoảng 4%. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,1% GDP cần xem lại, vì năm 2020 ước đạt 16,1% GDP, Nghị quyết số 23 của Quốc hội là không thấp hơn 16%GDP, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đặt ra là 16%GDP.

Về bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4%GDP, cần xem xét thêm vì trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường và tiếp tục sử dụng các chính sách tiền tệ, tài khóa và các gói hỗ trợ nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh, thực hiện an sinh xã hội và ổn định đời sống cho người dân thì bội chi ngân sách có thể sẽ tăng lên đáng kể và khả năng tăng cao hơn so với năm 2021.

Về kiến nghị, đại biểu tập trung 3 ý kiến:

Thứ nhất, Tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch, đẩy nhanh việc tiêm vắc xin hoàn thành Kế hoạch càng nhanh càng tốt. Chủ động xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch linh hoạt, thích ứng và hiệu quả khi dịch bệnh bùng phát trở lại.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách về tiền tệ, tài chính và xem xét quy mô các gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển, giúp cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh tháo gỡ khó khăn tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, tập trung hoàn thiện những hạn chế, bất cập về thể chế để phục vụ tốt nhất cho phòng chống dịch Covid và phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Nga