Toàn cảnh Phiên họp
Phát biểu về những quyết sách của Quốc hội trong chống dịch vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, nhìn lại chặng đường hai năm chống dịch với biết bao nhiêu khó khăn chồng chất, song thực hiện sự lãnh đạo của Đảng và lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt với sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân. Nhờ vậy, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đại biểu nhấn mạnh, đợt bùng phát dịch thứ tư tiếp tục để lại những hậu quả nặng nề. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn và tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15. Đồng thời, trong 2 tháng qua, Chủ tịch Quốc hội đã triệu tập nhiều phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét các đề xuất của Chính phủ. Từ đó, đã ban hành 6 nghị quyết với hàng loạt quyết sách đặc biệt chưa từng có tiền lệ, với số tiền lên đến gần 100.000 tỷ và nhiều nghị quyết đã được ban hành ngay trong đêm để kịp cho Chính phủ thực hiện. Cụ thể:
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Lường trước những khó khăn của dịch bệnh, Quốc hội đã cho phép Chính phủ được triển khai những biện pháp khác với luật và trong thời gian Quốc hội không họp, nếu cần phải ban hành các quy định khác với luật thì sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước khi thực hiện. Thực tế hai tháng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm được Quốc hội ủy quyền, xem xét thấu đáo và khẩn trương các đề xuất của Chính phủ, từ đó bảo đảm các điều kiện về nguồn lực và điều kiện về pháp lý để Chính phủ vững tâm trong chống dịch.
Về an sinh xã hội, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, ngày 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng và ban hành Nghị quyết số 03. Lần đầu tiên quyết định một gói hỗ trợ bằng tiền cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lên đến 30.000 tỷ, hỗ trợ khoảng 13 triệu lao động và yêu cầu phải hoàn thành xong trong 3 tháng. Cùng với đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp xuống còn 0% và ước tính có khoảng 390.000 doanh nghiệp sẽ được hưởng chính sách này. Đây là một chính sách chưa từng có tiền lệ và rất nhân văn. Tại nhiều địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã chủ động triển khai những biện pháp thiết thực để hỗ trợ người dân và các cháu nhỏ mồ côi vì dịch bệnh.
Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ngày 19/10, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và lắng nghe ý kiến của các ngành, các giới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 406 về chính sách miễn thuế, giảm thuế. Theo các chuyên gia kinh tế thì chính sách này được ví như chiếc bình oxy kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp, cho người dân đang đuối sức vì dịch bệnh. Và tính thiết thực của nghị quyết ở chỗ, là rõ ràng về tiêu chí đối tượng, để vừa không mất thời gian trong triển khai và vừa thuận lợi cho công tác giám sát sau này. Trong bối cảnh ngân sách đang phải thắt lưng buộc bụng như hiện nay, thì chính sách này thực sự là một sự chia sẻ rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Về tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực tư pháp, dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội mà đã ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực tư pháp. Nhiều biện pháp điều tra và nhiều phiên tòa đã không thể tiến hành theo kế hoạch. Vì vậy, tại kỳ họp này, Quốc hội đã cho phép trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng hình sự và dự thảo Nghị quyết về phiên tòa trực tuyến theo thủ tục rút gọn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công tác tư pháp và đã đạt được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội.
Nhấn mạnh, những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động và từng doanh nghiệp. Những quyết sách kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vừa qua đã giúp tháo gỡ một bước khó khăn của người dân, doanh nghiệp để sớm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo đại biểu, những khó khăn trước mắt vẫn còn rất lớn lao. Do đó, đại biểu đưa ra hai kiến nghị:
(1) Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp, chính sách đặc biệt, đặc thù để hỗ trợ người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hiện nay;
(2) Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai các giải pháp, các gói hỗ trợ để bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ. Bởi vì nếu triển khai chậm sẽ có nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường và ứng với đó là nhiều việc làm sẽ bị mất đi./.