ĐBQH NGUYỄN THỊ MINH TRANG: TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15 VÀ CÁC CHÍNH SÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19

08/11/2021

Thảo luận về kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong phiên họp toàn thể hội trường sáng 08/11, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, cho rằng cần tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 và các chính sách phòng, chống dịch COVID-19; ưu tiên phân bổ nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực xã hội, nhất là chính sách an sinh xã hội.

 

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, nêu rõ, hậu quả nặng nền của đại dịch COVID-19 đã làm nền kinh tế - xã hội của đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Nhưng với sự lãnh đạo xuyên suốt, toàn diện, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự quyết tâm chính trị rất lớn của các Bộ ngành trung ương, của địa phương và toàn dân, nước ta đã bước đầu kiểm soát thành công dịch COVID-19, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, nhiều vấn đề về xã hội, y tế đã được giải quyết kịp thời, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự xã hội và an dân, khẳng định Chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian qua là đúng đắn, kịp thời, đáp ứng được niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15

Cơ bản thống nhất với đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát kinh tế - xã hội năm 2021, Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, song đại biểu cũng cho biết còn một số băn khoăn cần được quan tâm để có giải pháp tập trung thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu chỉ rõ, theo báo cáo của Chính phủ, đến quý III/2021 tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020, trong đó: Tỷ lệ thất nghiệp tăng 1,38%, tỷ lệ thiếu việc làm tăng 2,41% so quý I/2020. Tình trạng đó càng khiến thu nhập, đời sống của người lao động, nhất là công nhân, lao động khu vực phi chính thức, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn giãn cách. Đặc biệt, hiện nay đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ vào khu vực phía Nam dẫn đến tình trạng dịch chuyển lao động từ các tỉnh, thành phố lớn về nông thôn, phát sinh nguy cơ mất cân đối về cung – cầu lao động. Các tỉnh phía Nam đang đối diện với thực trạng dịch bệnh bùng phát ở mức độ cao và những thách thức lớn khi cùng lúc phải xử lý, giải quyết những vấn đề khó về kinh tế, y tế, giáo dục, lao động, việc làm, tư liệu sản xuất, về an ninh trật tự, an toàn xã hội và biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng.

Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 và các chính sách phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục lãnh đạo ưu tiên phân bổ ngân sách, bố trí nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực xã hội, nhất là chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, trợ giúp xã hội cho các nhóm yếu thế chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, trong đó có nhiều người cao tuổi, phụ nữ và trẻ mồ côi mất cha hoặc mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ do dịch bệnh.

Ưu tiên bố trí nguồn lực phù hợp

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng đề nghị Chính phủ trong thực hiện cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế, nghiên cứu rà soát cắt giảm những dự án đầu tư công chưa thực sự cần thiết, cân đối ngân sách, ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhất là các địa phương khó khăn phải bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương để thực hiện nhiệm vụ chi cho công tác phòng, chống dịch, chi cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, những chính sách mới đã được ban hành và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Đồng thời, cần chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời (nhất là các chính sách tín dụng, phục hồi sản xuất), để doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản, đình trệ sản xuất, người lao động không rơi vào tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập, tăng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh và kích thích nền kinh tế phát triển ổn định.

Nêu rõ, trong giai đoạn tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn cho thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát đại dịch COVID-19, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có cơ chế tài chính đặc biệt để tập trung huy động, phân bổ nguồn lực ưu tiên thực hiện những chính sách ưu đãi đặc thù hơn nữa cho lực lượng tuyến đầu của ngành y tế, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng để nâng cao năng lực đáp ứng toàn diện yêu cầu đảm bảo an toàn tín mạng, sức khỏe nhân dân, để mọi người dân đều được hỗ trợ, chăm sóc sức khoẻ và thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở.

Đại biểu cũng cho rằng ngành lao động, thương binh và xã hội cần nghiên cứu triển khai giải pháp khả thi thực hiện các chỉ tiêu nâng cao tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội, giảm tỷ lệ lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, đa dạng hóa các gói chính sách hỗ trợ gắn với tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội; có chính sách đào tạo, đào tạo lại để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động trẻ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức phù hợp với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế, từ đó tạo nhiều cơ hội và động lực làm việc cho người lao động, giảm áp lực về vấn đề cung – cầu lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội sau đại dịch.

Chỉ rõ, trong bối cảnh nhiều địa phương chưa thể cho học sinh đến trường do dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát, đại biểu đề nghị ngành giáo dục tiếp tục nghiên cứu đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách khắc phục những khó khăn về hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật dạy học trực tuyến, chuẩn hóa chương trình, nội dung giảng dạy trực tuyến theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tạo điều kiện để học sinh các cấp học, đặc biệt là học sinh tiểu học, học sinh vùng nông thôn, miền núi, hải đảo được tiếp cận bình đẳng trong giáo dục.

Thúc đẩy phát triển vùng trọng điểm

Để tiếp tục thực hiện chủ trương quy hoạch, liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ, tăng cường nguồn lực thực hiện Nghị quyết phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên cho việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với các giải pháp hỗ trợ nông dân khu vực đồng bằng giải bài toán khó về giá cả, chất lượng đầu vào nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản thực phẩm; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, nhất là dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến Quốc lộ đang xuống cấp, các dự án đường bộ cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long đang chậm tiến độ và triển khai sớm các dự án thủy lợi, công trình cống đập chống sạt lỡ bờ sông kết hợp với ngăn mặn trữ ngọt, giúp khu vực đồng bằng sông Cửu Long phát huy được những tiềm năng, lợi thế sẵn có, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, cùng với các vùng, miền trong cả nước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao trong giai đoạn tiếp theo./.

Vũ Hà